Đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, dưới góc nhìn kinh doanh

Trần Quí Thanh

Tàu cao tốc ở Nhật Bản. Ảnh: Internet/ Lời bình báo TBKTSG

—–

Đầu tư 59 tỉ USD để xây đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.559 km nối Hà Nội và TPHCM, đây là vấn đề đã đưa ra bàn cãi từ lâu, và vừa qua được hâm nóng trở lại. Theo tui, cần phải tỉnh táo để đưa ra quyết định về dự án khổng lồ này.

Vấn đề đặt ra thứ nhất là tiền đâu?

59 tỉ USD là quá lớn đối với một nước nghèo như Việt Nam. Thông tin mới nhất, trong quý 1/2019, Chính phủ trả nợ gốc và trả nợ lãi 129.888 tỉ đồng. Bình quân mỗi ngày Chính phủ trả nợ gốc 1.101 tỉ đồng và trả nợ lãi 341,8 tỉ đồng. Phấn đấu đến cuối năm 2019, dư nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia dưới 49% GDP.

Như vậy, nếu thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, dứt khoát phải đi vay, và đương nhiên nợ sẽ tăng. Xin lưu ý, 59 tỉ USD là bằng ¼ GDP của năm 2017.

Vấn đề thứ hai là tiền đâu để trả?

Đặt giả thiết là vay được tiền nhưng vay thì phải trả, muốn trả thì phải có nguồn thu từ khai thác kinh doanh dự án. Nhưng theo tính toán của giới chuyên môn, bán vé thu tiền đi tàu không thể đủ để bù lại cho chi phí vận hành, nói chi đến có lãi để trả lãi vay.

Giá vé bán ra không phải muốn cao bao nhiêu cũng được, mà tuân theo quy luật của thị trường. Giá vé đi tàu quá cao thì sẽ không có khách, vì hiện nay, giá vé máy bay khá phù hợp, nên hàng không là lựa chọn ưu tiên.

Hiện nay, giá vé tàu khó cạnh tranh với máy bay, nếu đầu tư cao tốc, chắc chắn vé tàu sẽ cao hơn. Liệu lúc đó có cạnh tranh được với hàng không và đường bộ hay không, câu trả lời đã quá rõ.

Thực tế các nước Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc cho thấy, đầu tư đường sắt cao tốc không hiệu quả, phần lớn đều thua lỗ.

Ngành đường sắt Việt Nam hiện nay làm ăn bết bát, nếu đầu tư cao tốc, khả năng thua lỗ nặng hơn là rất có thể xảy ra. Vậy thì, khó có thể lấy nguồn thu từ dự án để trả nợ.

Từ hai vấn đề nêu ra trên, cho thấy cần đầu tư hạ tầng hàng không thật tốt, ban hành các chính sách kịp thời và phù hợp để phát triển hàng không, đặc biệt là cho tư nhân tham gia đầu tư xây dựng cảng hàng không sân bay. Thực tế cho thấy, khi tư nhân tham gia, nhà nước không bỏ đồng tiền nào nhưng có các đội bay của Vietjet tham gia vận chuyển hành khách, mới đây là Bamboo Airways, sắp tới là Viettravel Airlines. Nếu cho tư nhân xây dựng hạ tầng như sân bay Vân Đồn, thì phát triển hàng không còn nhanh hơn.

Đối với đường sắt, cải tổ việc kinh doanh, phục vụ tốt hơn để thu hút hành khách, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa. Hiện nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam độc quyền ngành đường sắt, nhưng kinh doanh không hiệu quả, doanh nghiệp không tin tưởng để giao hàng cho đường sắt vận chuyển, vẫn phụ thuộc vào đường bộ.

Phải tính toán lại việc đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, phải nhìn theo góc nhìn kinh doanh, lấy hiệu quả làm đầu. Nếu duy ý chí, xây cho có để giải quyết “khâu oai” thì coi chừng rơi vào nợ nần khốn đốn.

Sài Gòn ngày 15/4/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Không thể “bay bổng” với tốc độ cao!

(https://www.thesaigontimes.vn/td/287351/khong-the-bay-bong-voi-toc-do-cao-.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *