Đề cao liêm sỉ để chống tham nhũng

TS  Nguyễn Sĩ Dũng/ Báo Tuổi Trẻ

 

Nguồn hình: Báo Dân Trí

—–

Nhớ tích xưa có vị quan đi nhậm chức xa, gửi về cho mẹ già một vuông lụa. Mẹ gửi trả lại vuông lụa kèm theo một cây roi. Ý nói rằng làm quan thì lấy tiền đâu ra mua quà quý cho mẹ. Vị quan nằm xuống quay đầu về hướng quê nhà, đặt cây roi trên lưng coi nhận lời răn dạy của mẹ và hối lỗi.

Liêm sỉ là quy phạm đạo đức, không phải là quy phạm pháp luật, nhưng là một công sự bảo vệ phẩm giá của người làm quan.

Cho nên, mới có Chu Văn An, dâng “Thất trảm sớ” lên vua Trần Dụ Tông, vua không nghe, Chu Văn An từ quan lui về ở ẩn. Chỉ cần vua không nghe lời ngay, thì người có lòng tư trọng không thể ngồi đó để hưởng lạc khi không trị được bọn quan lại phá hoại đất nước. Ngày xưa, mang ơn vua, ăn lộc nước thì phải viết trả ơn.

Người trọng liêm sỉ đương nhiên đề cao pháp luật, giữ mình thanh liêm để không hổ thẹn với mình và với thiên hạ. Nhưng nếu có việc làm sai sót, thì họ tự xử trước khi chờ đợi pháp luật. Trên thế giới, có nhiều quan chức cao cấp từ chức vì liêm sỉ.

Nhiều quốc gia xây dựng các quy phạm pháp luật thật chặt chẽ để không có kẽ hở cho tham ô, hối lộ, thất thoát lãng phí. Đồng thời, đề cao đạo đức của người làm quan, của hàng ngũ công chức để nâng cao chất lượng liêm chính của chính quyền.

Trần Quí Thanh

—–

Liêm sỉ còn là một trong những quy phạm đạo đức quan trọng nhất trong việc thực thi công vụ. Liêm sỉ được đề cao thì công vụ mới được thực thi công tâm, hiệu quả.

Tại hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng vừa qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi các quan chức phải đề cao liêm sỉ, coi liêm sỉ là phẩm chất đạo đức quan trọng để phòng chống tham nhũng, càng có chức quyền thì càng phải đề cao liêm sỉ.

Liêm sỉ là một phẩm chất đạo đức gồm có hai phần cấu thành: liêm là ngay thẳng, trong sạch và sỉ là biết hổ thẹn với việc làm trái với đạo lý, ngược với lương tâm. 

Người xưa cho rằng: “Người không có liêm thì thứ gì cũng lấy, người không có sỉ thì việc gì cũng làm”. Các quan chức tham nhũng quả thực là vừa không có liêm và vừa không có sỉ: vừa lấy thứ không phải của mình, vừa làm việc trái với đạo lý, ngược với lương tâm.

Đề cao liêm sỉ thực chất là đề cao một trong những quy phạm đạo đức hết sức quan trọng để phòng chống tham nhũng. 

Đây cũng là công cụ để đạt được mục tiêu là các quan chức không muốn/ không thèm tham nhũng. 

Nếu để các quan chức không dám tham nhũng, phải đề cao các quy phạm pháp luật; để các quan chức không thể tham nhũng, phải siết chặt cơ chế, bảo đảm minh bạch; để các quan chức không cần tham nhũng, phải bảo đảm lương bổng; và để các quan chức không thèm tham nhũng, phải đề cao các quy phạm đạo đức. Và liêm sỉ chính là một trong những quy phạm đạo đức phải được coi trọng ở đây.

Liêm sỉ còn là một trong những quy phạm đạo đức quan trọng nhất trong việc thực thi công vụ. Liêm sỉ được đề cao thì công vụ mới được thực thi công tâm, hiệu quả.

Đây cũng là quy phạm đạo đức được hết sức coi trọng trong việc thực thi công vụ của các nước Đông Bắc Á. 

Chính nhờ vậy mà các nước này đều có một nền hành chính – công vụ vừa rất chuyên nghiệp, vừa rất đẳng cấp. Và với một nền hành chính – công vụ như vậy, hầu hết các nước này (ngoại trừ Bắc Triều Tiên) đều đã “hóa rồng”, đều đã trở thành các nước phát triển.

Cha ông chúng ta cũng đã từng hết sức coi trọng liêm sỉ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan đã xảy ra những đứt gãy rất đáng tiếc ở đây.

Với sự kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đây là lúc chúng ta cần đề cao trở lại phẩm chất liêm sỉ trong việc thực thi công vụ và trong đạo làm người nắm giữ quyền lực công.

Cuối cùng, với tư cách là một quy phạm đạo đức, liêm sỉ khó lòng xác lập được chỉ bằng những lời kêu gọi, nêu gương là điều không thể thiếu ở đây.

 

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Đề cao…

https://tuoitre.vn/de-cao-liem-si-de-chong-tham-nhung-2020121507521807.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *