Để không vừa là nạn nhân, vừa là tòng phạm

Nguyên Khanh/ Báo Thanh Niên

Các sản phẩm lậu, giả được livestream trên các tài khoản Facebook Thảo Trần, Giầy Đồng giá… Ảnh: MK (Theo Báo Thanh Tra)

—–

Hàng nhái, hàng giả giết chết các nhà sản xuất chân chính. Đây là mối lo với bất cứ nhà sản xuất nào.

Tui chỉ nói ví dụ về lĩnh vực xuất bản thôi. Một nhà làm sách muốn kinh doanh một cuốn sách hay, phải mua bản quyền, thuê người dịch,  người biên tập, xin giấy phép xuất bản. Sau đó là thiết kế, in ấn, thực hiện nghĩa vụ thuế. Nhưng khi sách bán chạy, bọn hàng giả chỉ cần photocopy là xong. Hàng  giả chỉ tốn tiền giấy và tiền photo. Vậy thì nhà làm sách thật bỏ công sức và tiền đầu tư cho bọn làm sách giả ăn.

Tương tự là nhiều loại sản phẩm khác, chỉ cần một thương hiệu nổi lên, tức khắc có hàng giả, không giả thì nhái. Hàng giả quản lý thị trường dễ bắt, nhưng hàng nhái thì vô vàn. Trong ngành đồ uống của tui cũng không ít, xin không đưa ra dẫn chứng, mất lòng.

Ngoài ra, có nhiều thứ hàng giả giá trị lớn, đó là hàng xa xỉ, ví dụ như ngày 17.3 vừa qua tại Nam Định, các ngành chức năng kiểm tra, thu giữ hàng chục ngàn túi xách thương hiệu nổi tiếng như Hermès, Louis Vuitton, hay Channel… Những người từng sử dụng các loại túi xách này, biết rõ nếu mua phải túi giả, thì mất rất nhiều tiền.

Người có tiền và muốn xài đồ xịn bị mua nhầm đồ giả đã đành, nhưng điều nguy hiểm cho các nhà sản xuất chân chính, đó là còn có nhiều người thích xài hàng giả.

Họ biết hàng giả, nhưng vẫn mua vì rẻ tiền, để cũng xài hàng hiệu như ai.

Nhưng họ không biết rằng, thói quen thích xài hàng giả thì có ngày sẽ mua phải hàng giả mà không biết.

Trần Quí Thanh

—–

Hàng gian, giả, lậu…  càng chống càng tăng, đó là thực trạng nhiều năm nay và thực trạng này vẫn sẽ tiếp diễn nếu người tiêu dùng không thực sự vào cuộc.

Bởi trên mặt trận chống hàng giả, người tiêu dùng vừa là nạn nhân, vừa là… tòng phạm. Ở vai trò nạn nhân, rất nhiều người mất tiền oan vì mua hàng giả với giá hàng thật. Không phải chỉ những kho hàng hiệu xa xỉ mà công an, quản lý thị trường mới khui đây.
Vụ bắt giữ 4 xe chở hàng hiệu giả Gucci, Milano… năm 2012 khiến hàng loạt khách VIP ngã ngửa vì bị lừa. Bức xúc, một khách hàng thậm chí đã gửi văn bản đến cơ quan thuế, yêu cầu làm rõ tính pháp lý của các cửa hàng Gucci & Milano. Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế TP.HCM bắt giữ 4 ô tô tải chở hàng tấn áo quần, túi xách, dây nịt các loại ở dưới tầng hầm khách sạn Sheraton (Q.1, TP.HCM). Giấy tờ nhập khẩu lô hàng này do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nam Đế đứng tên. Trong tờ khai nhập khẩu, nhiều mặt hàng quần áo có giá nhập khẩu rẻ mạt dù mang mác xịn.
Đáng nói, trên website của Gucci quốc tế, hai địa chỉ này được liệt kê là những nơi đặt cửa hàng chính hãng tại Việt Nam. Vì là địa chỉ uy tín nên rất nhiều người đã bỏ tiền triệu, thậm chí tiền tỉ cho quần áo, túi xách, mỹ phẩm, nước hoa xa xỉ. Nhắc lại để thấy việc hàng giả đã “móc túi” người tiêu dùng kinh khủng như thế nào. Ngay cả với những hàng tự xưng hàng fake 1, fake 2 bán giá thấp hơn hàng chính hãng thì người tiêu dùng vẫn bị móc túi như thường. Tại sao chúng ta phải bỏ 5, 7, thậm chí hơn chục triệu đồng cho một món hàng fake?
Ở góc độ tòng phạm, hàng giả sở dĩ sống được vì vẫn có rất nhiều người sử dụng. Trừ một bộ phận không nhỏ bị lừa mua hàng giả, không ít người vẫn chưa ý thức được việc sử dụng hàng nhái, hàng fake, hàng lậu, hàng dỏm… là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm bản quyền; tiếp tay cho hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước. Hàng giả càng nhiều, hàng thật càng ít đất sống, doanh nghiệp sản xuất tất nhiên bị ảnh hưởng, thậm chí phá sản.
Nhìn xa hơn, nếu việc xâm phạm bản quyền bị lạm dụng quá nhiều, còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhãn tiền là Trung Quốc, muốn phát triển kinh tế nhưng lại không kinh doanh sòng phẳng, công bằng. Thay vì mỗi doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều tiền để nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới thì tại Trung Quốc, một công ty chỉ cần chứng minh được sản phẩm của mình có 1 chi tiết không giống các chi tiết của sản phẩm gốc thì không bị coi là vi phạm bản quyền. Đó là lý do vì sao nước này trở thành “thiên đường hàng nhái” và cũng là nguyên nhân dẫn tới việc Mỹ áp thuế mạnh lên hàng hóa nước này trong suốt mấy năm qua.

Trở lại với câu chuyện hàng nhái, hàng giả ở Việt Nam, chúng ta luôn than phiền cơ quan quản lý chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Điều này đúng nhưng chưa đủ bởi nếu chính chúng ta vẫn “hồn nhiên” tiêu thụ hàng fake 1, fake 2, vẫn không nói không với hàng giả thì chắc chắn vấn nạn này sẽ còn tiếp tục.

Và hệ lụy của nó thì như phân tích trên, chính chúng ta là nạn nhân đầu tiên phải gánh chịu.

 

NGUỒN:  Theo Báo Thanh Niên

Link bài: Để không...

https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/de-khong-vua-la-nan-nhan-vua-la-tong-pham-1357019.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *