Trần Quí Thanh
Để nền kinh tế bật dậy sau đại dịch COVID-19 như “một chiếc lò xo” bung lên sau khi bị đè nén, một trong nhưng giải pháp Chính phủ đề ra, đó là đẩy mạnh đầu tư công.
Xin lưu ý là thúc đẩy các dự án đầu tư không chỉ là câu chuyện kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn mà là dài hạn.
Giải pháp tung cái gói tài chính lớn để thực hiện các dự án đầu tư công là đúng đắn, nhưng đừng quên phải có chính sách nhanh chóng và hiệu quả để khai thác nguồn lực trong khu vực tư nhân qua phương thức đối tác công – tư (PPP). Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện các dự án không hiệu quả, có nhiều dự án bị các nhóm lợi ích can thiệp, làm thất thoát, lãng phí, thậm chí là tham nhũng.
Chính vì lẽ đó, các nhà đầu tư thực sự không muốn tham gia, vì họ không thấy sự công bằng, minh bạch và an toàn khi đầu tư các dự án BT, BOT. Một nhà đầu tư làm ăn chân chính cần một sân chơi đúng luật, sòng phẳng. Và ngược lại, sẽ từ chối những nơi mờ ám, có những bàn tay nhám nhúa của các nhóm lợi ích tham gia.
Đầu tiên là đấu thầu phải minh bạch, bởi vì đương nhiên đấu thầu theo quy định của pháp luật là phải công khai, nhưng chưa hẳn cuộc đấu thầu nào cũng minh bạch. Không ít vụ việc sai phạm có căn nguyên từ tổ chức đấu thầu đúng theo trình tự, nhưng chỉ là hình thức, còn lại là sắp xếp “quân xanh”, “quân đỏ”, “chân gỗ”, và cuối cùng chỉ là một đơn vị trúng theo kịch bản.
Đơn vị trúng thầu là các nhóm lợi ích thường chẳng khác gì “tay không bắt giặc”. Bởi vì họ vay ngân hàng và tính toán hết các khoản trả lãi suất, các chi phí lớn nhỏ cho cả vòng đời dự án, kể cả tiền “lại quả” vào trong dự toán. Đây cũng chính là ý do khiến cho dự án xây dựng hạ tầng giao thông và các công trình khác có mức đầu tư cao hơn thực tế nhiều lần.
Dẹp trò chơi đấu thầu dàn xếp của các nhóm lợi ích thì nhà đầu tư chân chính mới tham gia. Và khi doanh nghiệp đấu thầu minh bạch, thì sẽ làm lợi cho nhà nước rất nhiều vì họ không sử dụng chiêu “tay không bắt giặc” để chia nhau như các nhóm lợi ích.
Thứ hai là phải dẹp tất cả các thủ tục hành chính rườm rà hành doanh nghiệp. Các nhà đầu tư thực sự đấu thầu minh bạch sẽ không có các khoản “lại quả” vì không phải chia miếng bánh BT hay BOT, nên thường bị hành hạ, sách nhiễu, khổ sở trăm bề. Đây là lý do doanh nghiệp ngại không dám tham gia các dự án đối tác công tư.
Thứ ba, đã là đối tác công – tư thì phải chia sẻ rủi ro. Một dự án hạ tầng giao thông có vòng đời 10 năm hoặc 20 năm. Với thời gian kéo dài như vậy, không ai lường trước hết các rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, hoặc nảy sinh các loại thưa kiện pháp lý khác nhau. Với những trường hợp như vậy, nhà nước phải có sự chia sẻ, không thể để cho “đối tác” đơn phương gánh chịu rủi ro hay hậu quả.
Trần Quí Thanh