Để tài sản quốc gia không trở thành tài sản gia đình

Trần Quí Thanh

Khu đô thị Thủ Thiêm với nhiều sai phạm quản lý đất đai đang được xử lý. Ảnh: Lê Quân – Báo Người Đô Thị

—–

Gần đây, nhiều vụ án và sai phạm liên quan đến đất đai bắt buộc phải xem lại việc quản lý, kiểm soát và sử dụng đất công, một nguồn lực được xem là sở hữu của toàn dân.

Xin không lý luận về khái niệm sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý, chỉ bàn về việc khai thác nguồn lực này.

Nhiều địa phương sử dụng quyền lực nhà nước để quy hoạch và triển khai các dự án có sử dụng đất đai, và đây là cơ hội cho những nhóm lợi ích khai thác. Chỉ cần qua một vài chiêu phù phép, tài sản công biến vào túi cá nhân của một vài người, một nhóm người.

Có ba nguyên nhân dẫn đến thất thoát tài nguyên đất đai.

Đầu tiên là không minh bạch thông tin để trục lợi. Những quy hoạch thì thầm trong những căn phòng máy lạnh chính là nguồn lợi vô cùng lớn đối với những cá nhân sở hữu thông tin đó. Chỉ cần một mảnh đất mua trước khi quy hoạch được công bố, thì có thể tăng giá gấp chục lần. Những vụ sốt đất ở Vân Đồn, Phú Quốc là ví dụ cụ thể.

Minh bạch quy hoạch không chỉ ngăn chặn các nhóm lợi ích, mà huy động được các chủ thể khác trong xã hội tham gia thẩm định, phản biện, để việc thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả. Hiệp hội kinh doanh bất động sản, các tổ chức kiến trúc, quy hoạch đô thị, xây dựng giao thông, tổ chức tài chính, ngân hàng đều có thể tiếp nhận thông tin và tham gia ý kiến. Vai trò của các tổ chức này là phản biện, đóng góp ý kiến, từ đó mới hạn chế được các sai lầm như đã từng xảy ra.

Vụ nổi cộm nhất là Khu đô thị Thủ Thiêm, chính vì sự thiếu minh bạch dẫn đến hậu quả ngày hôm nay.

Thứ hai là việc giám sát pháp luật bên cạnh giám sát của Hội đồng nhân dân. Một dự án liên quan đến việc sử dụng nguồn lực đất đai, cần phải có cơ quan tư pháp giám sát pháp luật, nếu như để cho chính quyền “tự tác” thì rất dễ sinh ra “tự tung”. Khi không có sự giám sát thực hiện pháp luật, thì rất dễ bị các cá nhân chi phối. Xin dẫn chứng các “phi vụ” cộm cán như vụ bán đất Phước Kiểng, quận 2 – TPHCM, sân vận động Chi Lăng – Đà Nẵng…Nếu có giám sát thực hiện pháp luật và làm thật chuẩn mực, thì sẽ không có các quan chức vào vòng lao lý.

Đất đai do nhà nước quản lý, nhưng khi các quan chức nhà nước bất minh thì tài sản thất thoát. Vì thế, điều thứ ba chính là giám sát tài sản của quan chức. Quá nhiều quan chức giàu lên từ tham nhũng, trong đó tham nhũng liên quan đến các dự án đất đai là chủ yếu. Nếu như quản chặt thông qua kê khai tài sản và xử lý nghiêm khi có dấu hiệu bất minh thì cũng hạn chế được lòng tham.

 

Trần Quí Thanh

Bài đọc thêm: Để công thổ trở thành nguồn lực hiệu quả phát triển quốc gia

(https://nguoidothi.net.vn/de-cong-tho-tro-thanh-nguon-luc-hieu-qua-phat-trien-quoc-gia-16738.html?fbclid=IwAR35kbcpJNQDXlMp9giK-bUCiS_oVn9DzT_k2VwOgnLeo1QJkfOjIMI0gCE)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *