Danh Đức/ Báo TBKTSG
Bài báo chín chắn và sắc sảo của Danh Đức, nhà báo kỳ cựu của báo Tuổi trẻ. Đúng như tác giả phân tích, chống tham nhũng thì “phẫu thuật thôi vẫn chưa đủ, cần phải kết hợp những phương pháp trị liệu khác”. Trị bệnh đã khó, triệt tận gốc căn bệnh “nan y” này lại càng khó. Nhưng khó cũng phải làm, làm cho bằng được. Bởi nếu không làm thì cắt cái “ung” này xong, lại mọc cái ” ung” khác. Sợ rằng kiểu chống “đèn cù” sẽ chẳng đi đến đâu.
Trần Quí Thanh
—–
Những vụ khởi tố, cách chức dồn dập cuối năm – trong một góc nhìn nhất định – cho thấy sự quyết tâm trong việc chống lại những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế cho đất nước. Đây là một điều cần thiết để giải phẫu khỏi cơ thể một số “viêm nhiễm”, có khả năng gây “hoại tử”, “khối u” có thể biến thành ác tính, thậm chí di căn… Song, như trong các bệnh lý y khoa, phẫu thuật thôi vẫn chưa đủ, cần phải kết hợp những phương pháp trị liệu khác, tỷ như hóa trị, xạ trị trong điều trị ung thư, và trên tất cả là làm sao cho cơ chế miễn nhiễm hoạt động trở lại trơn tru để cơ thể có thể, tự mình phát hiện và ngăn chặn, chống trả các vi khuẩn “xâm lược”, tự mình “lành mạnh”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc nhìn thẳng vào vấn nạn mà trong hầu hết các trường hợp sau này mới phát hiện là “sai trái”, “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” vào thời điểm kiểm tra đều được cho là “đúng quy trình”. Có thể tạm nhận ra một số đặc điểm trong vấn nạn này: (i) sự “đúng quy trình” đó là đương nhiên, do lẽ khi mưu đồ một việc gì đó, người ta đều ngó tới, ngó lui để xem có “đúng quy trình” hay không; (ii) sự “đúng quy trình” đó không phải lúc nào cũng đúng theo luật và đúng với tinh thần luật pháp, thậm chí là lợi dụng kẽ hở vì luật pháp chưa hoàn chỉnh; (iii) cứ như thế, mọi xét duyệt, thanh tra, kiểm tra cũng theo tinh thần “đúng quy trình” đó cho đến khi sự vụ được đưa lên tới trung ương mới hiện hình ra là “sai trái”.
Phải chăng sự kiểm tra từ cơ sở, địa phương đã không đúng mực, đã bị “lệch phương” vì những tác động của địa phương. Cơ chế “hàng ngang” hiện hành vô hình trung khiến các ngành, mà lẽ ra cần phải độc lập trong hoạt động bị vô hiệu hóa! Vấn đề không phải là do không có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát mà vì đã không xác định rõ mục đích tối hậu của việc thanh tra, kiểm tra, giám sát là cân bằng, như trong định nghĩa của khái niệm “checks and balances” (kiểm tra và cân bằng).
Việc Quốc hội độc lập giám sát các công việc của Chính phủ chính là nhằm tìm đến một sự cân bằng quyền lực. Chỉ trong sự cân bằng quyền lực mới không dẫn đến sự lạm quyền. Cũng thế, các hội đồng nhân dân ở các địa phương, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, công tố, tòa án… cùng các hội đồng quản trị ở các tổng công ty thực hiện việc giám sát cũng để tránh sự lạm quyền. Tinh thần giám sát độc lập đó phải là điều kiện tiên quyết cho mọi công tác kiểm tra, thanh tra, bắt đầu là kiểm toán. Những tổn thất hàng tỉ đô la từ vụ Vinashin cho tới những vụ bây giờ ở đây, ở kia là những ví dụ của sự không độc lập trong kiểm tra. Khi kiểm tra không độc lập, thì sẽ trở nên không cân bằng, và mọi thứ sẽ nghiêng về “cơ quan chủ quản” và rồi được kết luận là “đúng quy trình” như lẽ đương nhiên, trừ phi bị phanh phui và lộ tẩy!
Thành ra, để cho sự kiểm tra thực sự hiệu quả, thiết nghĩ cần sớm “sống và làm việc” trong tinh thần “độc lập”. Chỉ trong tinh thần “độc lập” đó mới đạt đến kiểm tra và cân bằng, mới thoát khỏi tình trạng tất cả đều “đúng quy trình” cho tới khi bị trung ương “sờ gáy”. Sự thay đổi này là quá cấp thiết do lẽ trung ương không tài nào tái kiểm tra mọi việc cho tới tận “hang cùng ngõ hẻm” được. Hãy bắt đầu từ mỗi cơ quan, mỗi địa phương. Đành rằng việc từ bỏ một thói quen cũ, tập một thói quen mới là không dễ, song phải thay đổi để thoát khỏi vũng lầy “đúng quy trình” để luật pháp đứng trên mọi quyền lực!
Nguồn: Báo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Link bài: Để tránh những vết xe đổ!