Đến bao giờ long đong thôi đeo bám những gánh hàng rong?

Nguyễn Thuận/ Báo Phụ nữ Tp HCM

Nguồn hình: Báo Thanh niên

—–

Việc hỗ trợ, và tạo điều kiện cho buôn bán hàng rong trong thời điểm COVID-19 càng nên được quan tâm cả về mặt chính sách lẫn thực tiễn.

Sau hơn nửa năm bị COVID-19 tấn công, thị dân sinh sống ở các thành phố khắp nơi trên thế giới bắt đầu “thấm đòn” về mọi mặt bởi tác động của đại dịch. Bên cạnh các biện pháp chống dịch như giãn cách xã hội, cách ly, đóng cửa đường hàng không, đường thủy, lẫn đường bộ thì các quốc gia đang bắt đầu tính đến phương án “sống chung với lũ” với việc tìm cách vực dậy nền kinh tế vốn đang bị đứt gãy và kiệt quệ.

Một trong những giải pháp được chính phủ nhiều nước ưu tiên lựa chọn là duy trì song song tình trạng vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Người dân Mỹ mua bán thực phẩm trên đường phố ở Washington, D.C – Ảnh: John Rennie Short

Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố một số kế hoạch phát triển kinh tế đất nước, bao gồm cả mục tiêu lớn là tạo ra 9 triệu việc làm mới bên cạnh nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5.5%. Một trong những điểm khiến nhiều nhà quan sát kinh tế ngạc nhiên, đó là ông đã nhấn mạnh đến một nhóm thành phần kinh tế tưởng như bị xem nhẹ lâu nay: những người bán hàng rong.

Vậy là, sau hàng thập niên quyết tâm lập lại trật tự đường phố, trong đó có cả việc “quét sạch” nạn buôn bán hàng rong, giờ đây, chính quyền Trung Quốc đã nhìn nhận những gánh hàng rong như là “một nguồn lực mới góp phần phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân Trung Quốc”.

Một khu chợ đêm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc nơi tập trung nhiều người bán hàng rong – Ảnh: Getty Images

Nền kinh tế phi chính thức từ lâu đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng và tất yếu vận hành song song với nền kinh tế chính thức của hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới.

Theo ước tính của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế phi chính thức đóng góp trung bình từ 1-20% GDP/mỗi quốc gia. Quan trọng và cần thiết như vậy, thế nhưng, bản thân nền kinh tế này lại rất “mong manh” bởi các hoạt động của nó ở nhiều nơi hầu như không được công nhận và vì vậy, thiếu sự bảo vệ, không có các quy định hướng dẫn và thường bị gắn nhãn “gây mất trật tự xã hội”, nhất là buôn bán hàng rong (hay còn gọi là buôn bán dạo).

Theo thống kê thì có hơn 2 tỷ người trên thế giới – chiếm hơn ½ tổng số người lao động trên toàn cầu – hiện đang mưu sinh bằng những nghề thuộc khối kinh tế phi chính thức này, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với sự tham gia của những người nghèo, phụ nữ và cả trẻ em.

Trong tình hình đại dịch COVID-19 đang gây nên những tác động nặng nề đến con người thì nhóm đối tượng này càng trở nên yếu thế và dễ bị tổn thương hơn cả. Chính vì vậy, việc khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho buôn bán hàng rong càng nên được quan tâm cả về mặt chính sách lẫn thực tiễn.

Hàng rong – “nhỏ mà có võ” với một lịch sử lâu đời

Chúng ta có thể có được hầu như mọi thứ mình cần cho cuộc sống hàng ngày từ những người bán hàng rong: sách báo, thức ăn, áo quần, đồ gia dụng và thậm chí cả bao cao su (condom). Chiếc xe đẩy bán dạo đầu tiên được nhìn thấy là trên con phố Hester, New York (Mỹ) vào năm 1886. Kể từ năm 1900, đã có khoảng 25.000 xe đẩy bán hàng rong trên các đường phố New York, với đủ mọi món hàng thường nhật, từ dây buộc tóc, kính đeo mắt, cho đến nấm, bắp cải, cà chua…

Buôn bán dạo còn được xem là nghề có vốn thấp, dễ thực hiện nên được nhiều người nhập cư lựa chọn để “khởi nghiệp” trước khi có thể hòa nhập vào cuộc sống ở Mỹ nói riêng và các nước phát triển nói chung. Đây là nhận định của tiến sĩ Rocío Rosale (Đại học University of California, Mỹ) trong quyển sách mang tên “Buôn bán dạo: Tính bất hợp pháp và yếu tố đạo đức trong cộng đồng ở Los Angeles” (Fruteros – Street Vending, Illegality, and Ethnic Community in Los Angeles) xuất bản tháng 5/2020.

Người buôn bán dạo trên đường phố Mulberry, thành phố New York khoảng những năm 1900 – Ảnh: Bettman/Getty Images

Thế nhưng, ở New York, cũng như nhiều thành phố khác trên thế giới, các nhà quản lý đô thị thường xem những người buôn bán dạo là đối tượng gây nên nhiều phiền toái, khó chịu cho sự vận hành của cuộc sống thị thành và vì vậy, đã trở thành “những cái gai” cần phải dẹp bỏ. Thậm chí, những nhà hàng cửa hiệu cũng góp phần vào sự “kì thị” đối với người buôn bán dạo bởi lo ngại sự cạnh tranh từ những đối thủ đáng gờm này bởi tính tiện lợi, linh hoạt và giá cả tất nhiên là rẻ hơn nhiều so với mua cùng một món hàng trong siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.

Gánh hàng rong – gánh mưu sinh của những người yếu thế

Cho dù dù phải đối mặt với quá nhiều những khó khăn thách thức, những gánh hàng rong vẫn tồn tại như một điều hiển nhiên ở hầu như mọi thành phố trên Trái Đất này.

Giáo sư John Rennie Short công tác tại trường Chính sách Công thuộc Đại học Maryland (Mỹ) trong một công trình nghiên cứu xã hội học năm 2017 cho biết, bản thân của gánh hàng rong cũng chứa đựng “một chuỗi vận hành phức tạp với nhiều tầng nấc”. Chúng trải dài từ những “tổ hợp” buôn bán dạo được tổ chức bài bản hoạt động tại các khu phố sầm uất chuyên phục vụ cho nhóm khách hàng mục tiêu là những người có tiền, thu nhập cao, nhân viên văn phòng làm việc trong những cao ốc bóng bẩy… cho đến gánh hàng rong với những món quà bánh và vật dụng rẻ tiền đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhóm cư dân thu nhập thấp và cả những người nhập cư nghèo.

Thậm chí, có thể khó tin, nhưng bằng những số liệu thu thập được, giáo sư John Rennie Short còn phát hiện ra rằng, thu nhập của những người buôn bán dạo còn cao hơn cả lương bình quân của dân công sở “cổ cồn” làm việc trong khối kinh tế chính thức.

Thực tế cho thấy, những nhà hoạch định chính sách cho các chương trình phát triển ở các nước có thu nhập thấp từ những năm 1950 cho đến đầu những năm 2000 đã cố gắng tìm cách “xóa sổ” hình thức buôn bán dạo này. Nhiều biện pháp hành chính bị xem là cực đoan đã được áp dụng với mục đích “truy quét triệt để những người bán hàng rong ra khỏi không gian đô thị”.

Hàng rong trên đường phố Bangkok, Thái Lan – Ảnh: Pailin Wedel

Tuy nhiên, gần đây, tư duy quản trị và cách tiếp cận của chính quyền nhiều nước đang dần thay đổi, bằng cách xem “nền kinh tế vỉa hè” như là một giải pháp căn cơ giúp giảm tình trạng đói nghèo, tạo việc làm và góp phần cải thiện cuộc sống của những nhóm người yếu thế của xã hội, đặc biệt là phụ nữ nghèo từ nông thôn và vùng sâu vùng xa nhập cư vào thành phố.

Ví dụ, từ năm 2003, Colombia đã ban hành chính sách quy định rõ, hành vi phân biệt đối xử hoặc truy đuổi người bán hàng rong trên phố mà không có sự hỗ trợ về tài chính hoặc không tạo điều kiện để những người bán hàng rong thay đổi công việc phù hợp khác là trái pháp luật. Tương tự, nhiều thành phố ở Mỹ hiện cũng đang triển khai các chương trình hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành nghề buôn bán dạo.

Từ năm 2016, thành phố New York đã chấp thuận tăng “quota” giấy phép hành nghề cho những người buôn bán dạo, vốn bị hạn chế và kiểm soát chặt chẽ từ đầu những năm 1980. Nhờ vậy, các dịch vụ đường phố đa dạng được cung cấp bởi những “gánh hàng rong” đã trở thành nét văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch khi viếng thăm xứ cờ hoa.

Số phận của gánh hàng rong giữa tâm bão COVID-19

Một cách khách quan, những gánh hàng rong có thể được xem là “những mạch máu” li ti luân chuyển khắp hang cùng ngõ hẻm của “cơ thể” đô thị vốn đang kiệt quệ vì đại dịch. Trước tiên, về mặt vận hành của nền kinh tế thị trường, nó có thể giúp làm dịu đi cơn đau và những vết thương trầm trọng do “đứt gãy kinh tế” gây nên bởi COVID-19. Tiếp đến, tính cơ động của những gánh hàng rong sẽ giúp ích rất nhiều cho quy định giãn cách xã hội hiện nay hơn là các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại vốn tập trung một lượng người rất lớn trong một không gian chật hẹp và kín.

Và cuối cùng, khi mà nhiều đô thị đang chuyển đổi cách thức vận hành của mình sang mô hình không gian mở, khuyến khích tính tương tác của cộng đồng với những phố đi bộ, con đường không có tiếng động cơ ô tô xe máy… thì không loại hình kinh tế nào phù hợp hơn những gánh hàng rong.

Một người bán hàng rong trên đường phố thủ đô Dhaka, Bangladesh trong thời gian đại dịch COVID-19 tháng 5/2020 – Ảnh: Shanjir Hossain/Shutterstock/World Bank

Có thể nói rằng, buôn bán dạo vẫn mang lại nhiều lợi ích cho đời sống xã hội nếu chúng ta có một cái nhìn tích cực về nó. Và hơn lúc nào hết, ngay khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt” dẫn đến đời sống khó khăn của đại đa số người dân, trong đó có cả những người nghèo đang bó gối bên những gánh hàng rong nằm im lìm trong góc nhà thay vì trên đường phố, những nhà quản lý cần bắt đầu suy nghĩ về hướng đi cho thành phần kinh tế vốn phi chính thức nhưng đã gắn chặt vào đời sống xã hội của loài người từ những giai đoạn sơ khai.

Bài viết có tham khảo từ các tài liệu:

  1. The urban informal economy: Street vendors in Cali, Colombia, LinaMartínez, John RennieShort, Daniela Estrada, 2017.
  2. Conflicts over streets: The eviction of Bangkok street vendors, Chaitawat Boonjubun, 2017.
  3. The development of an evidence-based street food vending model within a socioecological framework: A guide for African countries, Jillian Hill ,Zandile Mchiza,Thandi Puoane, Nelia P. Steyn, 2019.
  4. Supporting Informal Livelihoods in Public Space: A Toolkit for Local Authorities, Caroline Skinner, Jenna Harvey, Sarah Orleans Reed, 2018.
  5. Outbreaks of disease have shaped urban life for centuries, Yasmeen Serhan, 2020.
  6. Street Vending in the United States: A Unique Dataset from a Survey of Street Vendors in America’s Largest Cities, Dick M. Carpenter II, 2018.

 

NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM

Link bài: Đến bao giờ…

https://www.phunuonline.com.vn/den-bao-gio-long-dong-thoi-deo-bam-nhung-ganh-hang-rong-a1415893.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *