Doanh nghiệp lao đao vì cước cảng biển tăng cao

Đỗ Huyền/ Báo DĐDN

Giá cước vận tải biển dự báo tăng cao trong năm nay, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

Đại dịch COVID-19 gây tổn thất lớn cho nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không tránh khỏi. Nhưng trong năm 2020, Việt Nam lại được đánh giá là một quốc gia giữ vững được tăng trưởng, là “ngôi sao đang lên”.

Xin nhắc lại, những đánh giá đó là của các chuyên gia, báo chí quốc tế, không phải của Việt Nam, để thấy được tính khách quan của thông tin.

Không “ngôi sao” sao được khi năm 2020, xuất siêu mức kỷ lục gần 19,1 USD, có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 281,5 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Nhưng “cuộc sống không phải là thơ”, nó luôn xuất hiện những khó khăn, thử thách bất ngờ, khó lường. Trong mấy tháng qua, doanh nghiệp xuất khẩu lao đao vì giá cước vận tải biển tăng cao.

Doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với tình trạng tăng giá thuê container, không những tăng giá mà còn thiếu nguồn cung.

Xuất khẩu hàng hóa mà không chủ động được vận tải, thì chậm trễ giao hàng, đền hợp đồng một phần, mất uy tín với khách hàng còn là mất lớn hơn.

Trước tình hình này, cần có giải pháp tổng thể cho doanh nghiệp để hạn chế tối đa rủi ro và thiệt hại. Xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng, giảm sút, thì ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Bộ Công thương sẽ là “nhạc trưởng” để điều hành chương trình tháo gỡ này.

Tui xin giới thiệu với các bạn bài viết “Doanh nghiệp lao đao vì cước biển tăng cao” của tác giả Đỗ Huyền đăng trên Diễn đàn Doanh Nghiệp, trong đó có thông tin về tình trạng khó khăn trong xuất nhập khẩu hiện nay và đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp.

Trần Quí Thanh

—–

Giá thuê container tăng phi mã trong nhiều tháng qua và kéo dài đến nay khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đội chi phí hoạt động, chậm trễ trong giao hàng…

Giá cước vận tải biển leo thang

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) vừa gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2020, theo ghi nhận từ các doanh nghiệp, giá cước vận tải biển sang các thị trường trọng điểm xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam biến động rất mạnh. Đối với thị trường Mỹ, dự kiến, năm 2021, xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường này sẽ đạt trên 7,8 – 8,0 tỷ USD, ước cần khoảng 500 nghìn container. Trong khi đó, giá cước vận tải biển dự báo tăng cao trong năm nay, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

Đối với thị trường EU, giá cước vận tải biển tăng từ 400 – 500 USD/container ở chiều nhập khẩu, cước trung bình thời điểm tháng 11/2020 ở mức 1.100 USD/container 40 feet thì tới tháng 3/2021 tăng lên 1.500 USD/container 40 feet. Thị trường Hàn Quốc, cước trung bình ở thời điểm hiện tại từ 1.300 – 1.400 USD/container 40 feet, trong khi trước tháng 3/2020 ở mức từ 100 – 150 USD/container 40 feet.

Có thể nói, năm 2021 này tiếp tục là một năm khó khăn với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra thì nay lại đến sự cố tại kênh đào Suez. Dù hiện nay tình trạng khan hiếm container rỗng đã giảm bớt nhưng giá cước vận chuyển tàu biển còn neo ở mức cao. Cước đi thị trường Mỹ tới 8.000-9.000 đô la/container 40 feet, đi Trung Đông 1.600 đô la/container 20 feet và 2.900 đô la/container 40 feet. Mức giá này tăng gấp 4-7 lần so với hồi đầu năm ngoái 2020.

 Doanh nghiệp không dám nhận thêm đơn hàng

Là một trong những doanh nghiệp có lượng đơn hàng xuất khẩu lớn đến các thị trường Mỹ, EU… Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt (Bình Dương) không khỏi lo lắng về giá cước container tăng cao đột biến ảnh hưởng tới chi phí và lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành Gỗ nói chung. Đây cũng sẽ một trong những bất lợi khi cạnh tranh về giá cả và làm giảm giá trị xuất khẩu của ngành trong năm.

“Trước đây, giá cước container rơi vào khoảng 2.800 – 3.000 USD thì nay có những cảng, chi phí này lên đến 11.000- 13.000 USD. Hiện giá cước container vẫn chưa giảm. Giá cước container có xuống thì phải mùa hè này, khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, việc quay vòng vận chuyển container được nhanh hơn. Hiện nay, xuất khẩu đi nhiều, nhưng hiệu quả thấp”, ông Nguyễn Liêm cho biết.

Tương tự, ông Thang Văn Hóa – Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng cho biết năm 2021, nhiều doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng cho cả năm mà chỉ dám ký các đơn hàng ngắn hạn trong 1 – 2 quý vì lo ngại diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình hình thiếu container rỗng và biến động của cước vận tải biển.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, việc tăng cước thuê tàu và container khiến hàng hóa phải lưu kho chờ xuất khẩu gây thiệt hại cho doanh nghiệp, kéo theo chi phí lưu kho lưu bãi bị đội lên ước tính từ 5-10% giá trị lô hàng. Dù tình trạng thiếu container rỗng đã bớt căng thẳng ở cả chiều xuất và chiều nhập, mặc dù còn khan hiếm, ước tính ngành gỗ sẽ thiếu khoảng 15- 20% nhu cầu container rỗng. Nhưng nếu tình trạng này còn kéo dài thiệt hại cho ngành gỗ khó ước đoán được bởi còn tùy thuộc vào hợp đồng ký kết bồi hoàn giữa hai bên.

Do Việt Nam chưa có hãng tàu đủ lớn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị Bộ Công Thương cần có biện pháp tạo kênh liên kết, để kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu. Đồng thời, các cơ quan quản lý cho phép các hãng tàu nước ngoài tham gia cùng với các hãng tàu trong nước tích cực chuyển container rỗng từ các cảng biển đang thừa container rỗng như Cảng Cát Lái, Cảng Hải Phòng… sang các cảng biển đang thiếu container rỗng như Cảng Đà Nẵng, Cảng Quy Nhơn… để không bị đứt gãy trong quá trình xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới.

NGUỒN:  Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Link bài: Doanh nghiệp…

https://enternews.vn/doanh-nghiep-lao-dao-vi-cuoc-cang-bien-tang-cao-194922.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *