Đừng để “cái lưới đỡ” bảo hiểm bị rách

Trần Quí Thanh

Đòi bảo hiểm khó khăn, nhiều người mua bảo hiểm xe máy, ôtô giá siêu rẻ trên đường 3 Tháng 2, quận 10, TP.HCM để đối phó – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG (Báo Tuổi Trẻ)

—–

Để giảm bớt rủi ro lên một cá nhân, tổ chức trong mọi sinh hoạt, làm ăn, người ta nghĩ ra mô hình bảo hiểm. Cả hai bên đối tác cùng chia sẻ lợi ích, đồng thời chia sẻ rủi ro. Tất nhiên, nếu như xảy ra rủi ro quá nhiều thì bảo hiểm sẽ không có lợi nhuận như mong muốn, thậm chí thua lỗ.

Xây dựng một nhà máy rất tốn kém, nếu xảy ra hỏa hoạn, chủ doanh nghiệp có thể bị phá sản. Nhưng trước đó, có hợp đồng bảo hiểm, thì rủi ro đó được công ty bảo hiểm gánh bớt, doanh nghiệp có thể vượt qua được khó khăn. Ví dụ vụ cháy Cty Phích nước Bóng đèn Rạng Đông – Hà Nội vừa qua, bên phía đơn vị bảo hiểm là “cái lưới đỡ” giúp giảm sốc cho doanh nghiệp gặp hỏa hoạn.

Trong sinh hoạt hằng ngày, mua bảo hiểm cho chiếc ô tô là cần thiết vì hai lẽ.

Một là khi gặp rủi ro, công ty bảo hiểm sẽ gánh bớt chi phí sửa chữa. Ví dụ một cái kiếng chiếu hậu bị bẻ, mất vài triệu đến vài chục triệu tùy theo loại xe. Nhưng có bảo hiểm thì không mất tiền.

Hai là khi xảy ra va quệt trên đường, chủ xe có mua bảo hiểm bình tĩnh để xử lý, vì đằng sau đã có công ty bảo hiểm chi trả sửa chữa. Con người ta ứng xử với nhau văn minh, lịch sự, hạn chế tối đa cãi cọ, đôi khi dẫn đến ẩu đả.

Theo như phân tích trên, sẽ thấy nếu như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm với khách hàng, thì sẽ thu hút ngày càng đông người tham gia mua bảo hiểm. Chỉ có điều, trên thực tế còn có những xung đột khiến cho công ty bảo hiểm và khách hàng chưa thể gặp nhau.

Đã có không ít trường hợp khi khách hàng gặp tai nạn, thì công ty bảo hiểm đòi hỏi quá nhiều thủ tục để xử lý hậu quả. Có nhiều vụ kéo dài, người gặp nạn chạy lui chạy tới, làm rất nhiều thủ tục, bổ sung đủ loại hồ sơ nhưng không được bồi thường. Không ít trường hợp người gặp hoạn nạn vì qua chán nản nên bỏ cuộc, không cần bồi thường nữa.

Xung đột giữa hai bên doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng là đương nhiên, ai cũng vì quyền lợi của mình trước. Cho nên, để cân bằng nghĩa vụ và trách nhiệm, công bằng lợi ích, thì phải có trọng tài khách quan, trọng tài đó là quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cần rà soát lại các thông tư liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, những quy định nào chưa phù hợp, chưa tạo ra được sự công bằng và đảm bảo hoạt động kinh doanh bảo hiểm minh bạch thì sửa đổi.

Mục đích của quản lý là bảo đảm các điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời xây dựng được một xã hội văn minh, tiến bộ để đất nước phát triển.

Sài Gòn ngày 08/10/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Chuyện bảo hiểm: Đừng dồn cái khó cho thượng đế

(https://tuoitre.vn/chuyen-bao-hiem-dung-don-cai-kho-cho-thuong-de-20191007075011386.htm)

5 (100%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *