Đừng lãng phí sân bay

Nguyễn Khanh/ Báo Thanh niên

 

Sân bay Đồng Hới – ảnh báo PLO

Dân số thưa nhất, lợi thế du lịch chỉ tập trung ở một số địa phương, nhưng miền Trung hiện đang dẫn đầu về mật độ phân bổ sân bay trong khi khu vực miền núi phía bắc, Tây nguyên và ĐBSCL tỷ lệ lại thấp.

Có một thực tế là hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều muốn có sân bay riêng thay vì “đi nhờ sân bay” tỉnh bạn, dù ở nhiều địa phương thì “đi ké” đôi khi thậm chí còn gần hơn. Phải thừa nhận rằng xây dựng sân bay có tác động rất lớn trong việc kích thích du lịch, phát triển kinh tế, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, quốc phòng, an ninh.
Vài thập kỷ trước, việc xây dựng sân bay là rất khó, cả về nguồn lực và nhu cầu. Thế nhưng, hiện nay, với sự tham gia mạnh mẽ của các hãng hàng không tư nhân thì nhu cầu thị trường có và vẫn đang trong xu hướng gia tăng. Nên mong muốn có sân bay của lãnh đạo chính quyền địa phương cũng là nguyện vọng chính đáng và dễ hiểu.
Đặc biệt với nhiều tỉnh phía bắc với đặc thù địa hình khó khăn hiểm trở, phát triển cao tốc không đơn giản thì xây dựng sân bay có thể đánh thức cả một vùng kinh tế. Dù vậy, những tiềm năng này vẫn còn “ở thì tương lai”, trong khi phần lớn sân bay nội địa hiện chưa thể chạy công suất thiết kế, một số sân bay thường vắng khách, thua lỗ…
Đó là lý do mà các đề xuất quy hoạch sân bay ở một số tỉnh, thành không nhận được sự đồng thuận từ cơ quan có thẩm quyền cũng như các bên liên quan.
Nhìn ở góc độ tổng thể, rất khó để chốt rằng cần hay không cần sân bay đối với một địa phương. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cái nào cần ưu tiên bố trí vốn trước, dự án nào có thể chậm lại thì nên cân nhắc thật kỹ. Bởi ngay cả có đủ vốn đầu tư đi chăng nữa thì số tiền bỏ ra để bù đắp cho một cảng hàng không đợi đến ngày “hái quả” là không hề nhỏ. Thế nên, thay vì đua nhau xây dựng sân bay, tốt nhất với các địa phương còn khó khăn, cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án hạ tầng dân sinh, những dự án trọng điểm cấp thiết hơn. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh kinh tế của địa phương, kết nối với liên vùng…
Có muốn xây dựng sân bay, chỉ nên đề xuất đưa vào quy hoạch cho tương lai, khi kinh tế địa phương đã phát triển, nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch… tăng lên, lúc đó cũng chưa muộn. Những tỉnh nào có thể tận dụng được sân bay của “người láng giềng”, cũng nên lấy đó làm lợi thế giúp tiết kiệm được một nguồn lực lớn dành cho việc khác cần kíp hơn.
Đồng thời, quy hoạch xây dựng sân bay, cũng phải tính toán đến dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam  đang được xây dựng; các cao tốc, quốc lộ, đường thủy trong tương lai nếu có… sẽ tác động thế nào đến nhu cầu đi lại của địa phương mình. Đừng để đến lúc mạng lưới giao thông quốc gia cũng như nội tỉnh hình thành lại mới thấy công trình này thừa, công trình kia lẽ ra… gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Kinh tế phát triển, thu nhập người dân cao hơn… nhu cầu đi lại với một phương tiện tốn kém ít thời gian nhất chắc chắn sẽ gia tăng. Và cũng chỉ nhu cầu thực sự thị trường mới có thể giúp sân bay nói riêng và bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào khác nói chung trên thị trường tồn tại. Vì vậy, hãy lắng nghe nhu cầu thật sự của thị trường chứ đừng đầu tư sân bay chỉ để không kém “ông láng giềng” hay để giải quyết khâu oai mà thôi.

 

NGUỒN:  Theo Báo Thanh Niên

Link bài: Đừng lãng phí….

https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/dung-lang-phi-san-bay-1330295.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *