Đừng rơi vào cái bẫy của chính mình

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo Doanh nhân Sài Gòn.

—–

Kính chào bác Trần Quí Thanh!

Tình cờ cháu đọc được bài viết của bác: “Tại sao start-up (khởi nghiệp) ở ta dễ gặp thất bại?”. Bác đã cho cháu nhiêu bài học thật quí giá. Cháu là sinh viên mới ra trường, rất sợ mắc phải những cái bẫy khởi nghiệp. Vậy xin bác lời khuyên để tránh những cái bẫy khởi nghiệp đó, được không ạ?

 Kính chúc bác sức khoẻ

Lê Nguyễn Hoài Thương (Đà Nẵng) hoaithuong_thuonghoai_ DN@gmail.com

—–

Lê Nguyễn Hoài Thương mến!

Trước hết, bác rất quý những người trẻ có máu làm ăn, dám xông tới, dám thử thách, và start – up đương nhiên là một thử thách. Nó là thử thách gắt gao, cho nên tỉ lệ start- up thành công không cao. Theo báo cáo Business Employment Dynamics (khảo sát năm 1994 – 2015) do Cục thống kê Hoa Kỳ cung cấp, chỉ khoảng 50% trường hợp công ty trụ vững sau 5 năm.

Cho nên, có máu làm ăn là một việc, nhưng kinh doanh không như đánh bạc, cũng đừng thấy người khác khởi nghiệp là bắt chước, đời không phải luôn đẹp như mơ phải không cháu.

Người ta hay nói đến bẫy khởi nghiệp, nhưng theo kinh nghiệm của bác, chẳng ai bẫy mình cả, chỉ chính mình bẫy mình. Ai đó từng nói “chỉ cần một ý tưởng”, thế là các bạn trẻ cũng nghĩ như vậy, đưa ra ý tưởng và cho rằng thế là đủ, là sẽ đi đến thành công. Có thể nói đây là chiếc bẫy ý tưởng.

Phần lớn, các bạn trẻ có dồi dào ý tưởng, mở miệng là ý tưởng, say sưa với ý tưởng. Bác nhớ cách đây chừng 10 năm, một số doanh nhân ở Sài Gòn lập ra “Sàn ý tưởng”, thu hút các bạn trẻ đến để trình bày ý tưởng. Ôi thôi rồi, tuần nào cũng lắm ý tưởng, nghe lệch đất nghiêng trời. Thời gian đầu nhiều người tham gia, rất thu hút, rất hấp dẫn, nhưng cuối cùng sàn ý tưởng này sập vì chẳng có ý tưởng nào được chuyển hóa thành hiện thực.

Càng ngày đòi hỏi đẳng cấp cao trong khởi nghiệp, ý tưởng chỉ một phần thôi, còn lại là thực hiện cho được ý tưởng đó. Đó là một chiến lược đầu tư kinh doanh, có lộ trình, có nguồn vốn, có từng giai đoạn phát triển khác nhau, có sự linh hoạt thay đổi trong sản xuất sản phẩm. Không có cái đầu hoạch định chiến lược thì thất bại là điều không thể tránh khỏi.

Cảnh báo thứ hai mà bác muốn trao đổi với cháu là đa số người hay nhóm người Start – up chỉ muốn làm việc trong phạm vi nhân sự có cùng ý tưởng. Đây là điểm mạnh, nếu như tất cả mọi người đều xuất sắc, kiểu như nhóm của Steve Jobs khi bắt đầu khởi nghiệp trong một cái ga ra. Nhưng thật không may cho nhân loại, là người như Steve Jobs cả thế kỷ may ra có một. Đa số chúng ta là người bình thường, cho nên không thể theo quy luật của những bộ óc thiên tài.

Bình thường là gì, trong quản trị doanh nghiệp có nhiều việc, nhiều công đoạn, phải tìm người có kỹ năng và chuyên môn giỏi phù hợp với từng việc để hợp tác. Phải biết mình là ai, mạnh yếu mặt nào để tìm sự bù đắp. Có người rất giỏi thiết kế nhưng không thể giỏi bán hàng, có người giỏi bán hàng nhưng không thể là nhà quản lý xuất sắc. Cái bẫy này chính là tưởng rằng mình biết hết nên ôm việc.

Cuối cùng là phải biết tùy thời mà thay đổi. Cái ý tưởng ban đầu khi khởi nghiệp có thể phù hợp, nhưng con tạo xoay chiều, thời thế đã khác, thì phải nhanh chóng bắt kịp với cái mới. Cứ khư khư ôm cái cũ và cho đó là ý tưởng sáng tạo thì chết chắc.

Cố gắng đừng rơi vào cái bẫy của chính mình cháu nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *