Đừng tưởng nhà sáng lập là vĩnh viễn làm chủ

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: cafebiz.vn

—–

Kính gửi bác Dr Thanh

Chúng cháu là nhóm sinh viên mới ra trường, chuẩn bị khởi nghiệp. Có lẽ gọi vốn là vấn đề lớn đầu tiên  mà các Startup quan tâm. Chúng cháu lại càng quan tâm, vì chưa biết gì hết cả.

Chúng cháu vừa đọc trên trang web của bác có bài: Chuyên gia nêu sai lầm khi startup gọi vốn”. Nhiều vấn đề khó hiểu với chúng cháu. Mong bác nói rõ hơn về những sai lầm mà các startup gặp phải khi gọi vốn, có được không ạ?

Kính chúc bác hạnh phúc mọi bề.

Lê Hoan – Đức Chúng – Minh Tấn (Sài Gòn): hoanle_dangsay@gmail.com

—–

Lê Hoan – Đức Chúng – Minh Tấn mến!

Vốn là điều kiện bắt buộc phải đáp ứng trong khởi nghiệp hay hoạt động kinh doanh nói chung. Có công nghệ, có nhân sự mà không có vốn thì vô nghĩa.

Không mấy bạn trẻ bắt tay khởi nghiệp mà có vốn, phần lớn là gọi vốn, nhưng gọi vốn như thế nào không phải đơn giản, nếu mắc sai lầm thì hậu quả khó lường.

Muốn đừng mắc sai lầm, trước hết đừng quá sốt ruột mà gọi vốn bằng mọi giá, không quản trị đồng tiền hiệu quả sẽ dẫn đến thất bại. Hoặc vốn của các quỹ đầu tư chiếm tỉ lệ cao thì có lúc nhà sáng lập mất quyền làm chủ. Đó là thực tế mà môi trường kinh doanh lạnh lùng chưa bao giờ khoan nhượng.

Cho nên, các cháu phải xây dựng chiến lược phát triển, căn cứ vào từng giai đoạn của chiến lược đó để chủ động và sử dụng vốn có hiệu quả. Trong quá trình phát triển, nhà sáng lập luôn chú trọng tới tích lũy, nâng giá trị tài sản, vốn của mình lên để luôn giữ được quyền điều hành.

Có nhiều quỹ đầu tư, các cháu phải tìm hiểu thật kỹ để chọn quỹ nào phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình, đồng thời có sự tin cậy lẫn nhau.

Sự tin cậy là cảm tính, vì vậy cần phải được đảm bảo bằng pháp lý. Khi gọi vốn từ quỹ đầu tư, dứt khoát phải mời chuyên gia luật tư vấn, soạn thảo một bản hợp đồng chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. Thường thì các start up vì quá nôn nóng huy động vốn nên không quan tâm đến hợp đồng, đến khi ăn ra làm nên, mới thấy các nhà đầu tư chiếm hết phần lợi thế. Chưa kể có thể bị mất ghế CEO.

Đừng tưởng nhà sáng lập là vĩnh viễn làm chủ. Chắc các cháu đã biết chuyện về Steve Jobs, năm 1985, ông buộc phải rời khỏi Apple, công ty do chính ông xây dựng. Vụ Steve Jobs phải ra đi khỏi công ty của mình sáng lập là bài học cho tất cả các start up.

Tóm lại, bác lưu ý các cháu 3 điểm quan trọng trong hoạt động gọi vốn. Một là không huy động vốn bằng mọi giá mà phải có chiến lược, chủ động để đừng bị ép giá. Hai là lựa chọn quỹ đầu tư phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ba là phải soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, đảm bảo công bằng trong chia sẻ lợi ích.

Chúc các cháu thành công.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1956@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *