Giáo dục thiếu “tranh luận”

Trương Khắc Trà/ Báo DĐDN

Giáo dục cần có tranh luận

Đến nay, học sinh còn được dạy dỗ theo kiểu thầy nói trò nghe, cô đọc trò chép và xem những điều mà cô thầy nói như “Tử viết”, thì đó là lối giáo dục sai lầm.

Không chỉ ở bậc trung học, ngay cả đại học cũng dạy theo lối áp đặt, tư duy một chiều, thủ tiêu năng lực tranh luận và phản biện học thuật ngay từ trong nhà trường.

Một học sinh, sinh viên trưởng thành bằng lối giáo dục áp đặt, thì khi vào đời, sẽ không dễ dàng lên tiếng phản biện, vì tư duy tranh luận và phản biện cần có một quá trình rèn luyện.

Hãy thay đổi giáo dục ngay từ các thầy cô, hướng đến một môi trường học thuật có tranh luận. Nền giáo dục khai phóng là tạo ra môi trường tự do học thuật, khơi dậy tính sáng tạo, độc lập tư duy.

Sự khác biệt giữa độc lập tư duy và đồng phục tư duy sẽ sinh ra hai lớp trí thức khác nhau, khác thế nào tui nghĩ mọi người đều nhìn thấy rõ.

Trần Quí Thanh

—–

Giáo dục càng không thể thiếu câu hỏi, nhất là câu hỏi “dành cho nhau”, giáo viên hỏi học trò là đương nhiên rồi, nhưng làm sao để học trò “bật” lại thầy cô để tạo ra sự tranh luận?

Tranh luận là phương pháp tìm chân lý rất cổ xưa, không rõ có nguồn gốc ra sao nhưng các triết gia cổ đại Hy Lạp, La Mã rất ưa dùng. Người nổi tiếng nhất là Socrate với thuật hùng biện bằng phương pháp đặt câu hỏi.

Ngày nay ai cũng có thể “đặt câu hỏi” cho nhau, tùy mức độ, tính chất của sự việc và mối quan hệ. Chính câu hỏi tạo nguồn cảm hứng, chính câu hỏi dẫn dắt ta đến việc tiếp cận chân lý, Socrate nói như vậy.

Giáo dục càng không thể thiếu câu hỏi, nhất là câu hỏi “dành cho nhau”, giáo viên hỏi học trò là đương nhiên rồi, nhưng làm sao để học trò “bật” lại thầy cô để tạo ra sự tranh luận?

Một người được đánh giá là tri thức Tây học, thông thái như Bí thư TP HCM, Nguyễn Thiện Nhân vừa nhận xét “hạn chế trong giáo dục chính là thiếu tranh luận, học trò chất vấn thầy cô bị xem là thiếu… lễ phép”.

Điều mà ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra chính là cách dạy. Thiếu tranh luận do thầy cô ít muốn điều này hay do học sinh thụ động?

Thiếu tranh luận có nguồn gốc rất sâu xa, có vẻ xuất phát từ văn hóa Nho giáo với quan điểm học tập “ôn cố tri tân” lấy lời thánh nhân làm chuẩn, ngày nay nó được vận dụng dưới dạng “Khổng Tử nói…” ; “Lão Tử nói…”

Điều thánh nhân nói được lưu truyền chắc chắn đúng, nhưng nếu hậu thế cứ mãi trích dẫn và xem đó là bức tường không thể vượt qua thì đó là sự lạc hậu khủng khiếp về tri thức.

Vài thập kỷ nay nhiều nền văn hóa mang màu sắc Nho giáo như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu nhận ra có nhiều điều “người xưa đúc kết” không còn hợp thời. Như quan điểm về gia đình, về đạo đức, nhân cách.

Người Việt Nam nói riêng và người Á đông nói chung có văn hóa định canh định cư, tính cộng động rất cao – do đặc điểm của nền văn lúa nước. Cộng đồng muốn tồn tại phải tìm cách liên kết thành một khối chặt chẽ.

Văn hóa làng xã tạo ra mối dây liên hệ chằng chịt về huyết thống và xã hội, “con nhà” như “bà làng”. Tồn tại trong cộng đồng đó đôi lúc nói một chạm đến mười, nói một người đụng chạm cả dòng tộc.

Điều kiện đó sinh ra sự cả nể, sợ động chạm “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Văn hóa nhường nhịn được cho là “khôn khéo”, “khôn ngoan” truyền qua nhiều đời.

Dĩ nhiên có mặt tốt, tạo gia đình hài hòa, xã hội yên ổn, vì trên bảo dưới nghe, có thứ tự.

Song, một khi cộng đồng đó tiếp thu văn hóa ngoại lai có lợi cho sự phát triển thì nảy sinh mâu thuẫn. Yêu cầu phát triển khoa học công nghệ buộc phải có sự tranh luận. Nhiều thế hệ được giáo dục phải “hài hòa” tỏ ra sợ phải đối mặt, sợ tranh luận.

Bí thư Nhân lập luận “bí quyết của một quốc gia sáng tạo là mọi người phải có thói quen được hỏi, được giải đáp và được khuyến khích làm khác đi”.

Ở nước ta sự “khác đi” nhiều lúc bị cho là lập dị, quái gở. Bố mẹ không muốn con mình “làm khác đi” – con cái được “chỉ chỗ” được “bố trí” có “đằm” sẵn ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Giáo dục thiếu tranh luận tạo ra điều gì? Trước hết là một thế hệ chỉ biết tiếp thu mà không muốn “phát ra”, lớn lên tạo thành lớp người không muốn “đặt câu hỏi”, vào công sở họ là những nhân viên chỉ biết làm theo, trở thành nhà giáo – họ không có thói quen để người khác chất vấn mình.

Một khi thiếu bản năng tranh luận và đặt câu hỏi và sợ đụng chạm, nhiều thứ “đúng – sai” lờ mờ dễ dàng được thông qua, nhiều vấn đề rắc rối có gốc tích từ đó.

Ví dụ, những đại án tham nhũng, nếu sự tranh luận và phản biện “có mặt” trong những cuộc họp ở cơ quan, tổ chức thì không đến nổi để những cá nhân lái vấn đề đi quá xa.

Thiếu tranh luận là điều kiện làm nảy sinh sự độc đoán, gia trưởng, có không ít cuộc họp thiếu ý kiến, chóng vánh kết thúc, rất nhiều hội thảo nhàn nhạt vì thiếu phản biện trái chiều.

Chúng ta đang nhầm lẫn giữa tranh luận, sáng tạo và đạo đức trong nhà trường. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chắc hẳn rất rõ điều này. TP HCM là đô thị đặc biệt, hy vọng đây là nơi khởi xướng xu hướng giáo dục mới mẻ.

NGUỒN:  Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp

Link bài:Giáo dục thiếu “tranh luận”

(http://enternews.vn/giao-duc-thieu-tranh-luan-134440.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *