Hài hòa giữa tăng ca, tăng thu nhập và đảm bảo sức khỏe cho công nhân

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Quản trị lao động trong một doanh nghiệp, tổ chức giờ làm việc của công nhân hài hòa với sức khỏe, sự nghỉ ngơi, nhu cầu thu nhập và đảm bảo đúng quy định của pháp luật là một thách thức đối với chủ doanh nghiệp.

Theo quy định của Bộ luật Lao Động quy định số giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 300 giờ.

Mới đây, nhiều đại diện doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cho phép tăng giờ làm thêm so với quy định hiện nay, cụ thể tăng lên 600 giờ/năm để phù hợp với xu hướng của nhiều quốc gia thế giới. Thậm chí có doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng nếu không sửa đổi quy định tăng giờ làm thêm thì họ sẽ không đầu tư vào Việt Nam.

Nếu chia 365 ngày cho 200 giờ thì mỗi công nhân nếu có tăng ca cũng chưa đến 1giờ/ngày, ngay cả tăng 300 giờ cũng vậy. Cho nên, tình trạng sức khỏe của công nhân trong vòng 300 giờ làm thêm trên một năm không có gì đáng lo ngại, có chăng là sự tưởng tượng của người làm chính sách.

Nhu cầu tăng ca của công nhân để tăng thêm thu nhập là thực tế. Doanh nghiệp có những đơn hàng cần phải sản xuất nhanh để đảm bảo hợp đồng nên phải tăng ca, đó cũng là chuyện bình thường đối với bất kỳ doanh nghiệp, nhà máy sản xuất nào trên thế giới này. Vấn đề đặt ra là chủ doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi và chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Cụ thể như tổ chức bữa ăn cho công nhân làm thêm giờ, trả tiền tăng ca đúng với quy định của pháp luật lao động và có thể cao hơn. Một tháng có 5 buổi tăng ca, mỗi ca 4 giờ thì tui thấy không nhiều.

Về đề xuất tăng ca lên 600 giờ, theo tui cần xem xét, bởi vì một tháng phải tăng ca từ 12  – 13 lần, mỗi ca 4 giờ. Có thể công nhân tự nguyện tăng ca để có thu nhập, nhà máy có nhu cầu tăng năng suất lao động trên thời gian khai thác dây chuyền và đáp ứng yêu cầu cung ứng hàng theo hợp đồng, nhưng phải đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Nếu thời gian nghỉ ngơi không đủ, về lâu dài, người lao động sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe, không tốt cho bản thân họ và con cái.

Ngoài chuyện giữ gìn sức khỏe, còn có những chuyện khác cũng cần giữ gìn, đó là hạnh phúc gia đình, quan hệ xã hội, đời sống văn hóa. Công nhân cũng cần dành thời gian cho gia đình, chăm sóc con cái, phải có những sinh hoạt, thụ hưởng văn hóa. Nếu cứ làm việc suốt một ngày 3 ca trong nhà máy, kéo dài năm này qua năm khác thì không còn thời gian cho cuộc sống với nhiều nhu cầu khác.

Sài Gòn 04/01/2017

TQT

Đọc thêm, link bài: Tránh vắt kiệt sức người lao động

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *