Hãy chia tay với gia sư, ô sin

“Dạy con khó lắm! Có hai thứ của xã hội hiện đại đang trực tiếp góp phần làm “hỏng” con cái trong các gia đình khá giả ở thành phố, đó là gia sư và ô sin”- phát biểu của Giáo sư Văn Như Cương trên báo Giáo Dục Việt Nam khiến tui vỡ vạc ra nhiều thứ.

Tui hay suy nghĩ nhiều đến việc giáo dục con cái, ngay cả khi cả ba đứa con tui đã lớn hết rồi. Vì suy nghĩ nhiều về gia đình, cho nên cả nhà tui từng đi học một khóa về gia đình kéo dài sáu tháng, mỗi tháng một kỳ học tập trung cuối tuần, có chuyên gia tâm lý gia đình giảng dạy đàng hoàng. Già như tui còn đi học, bởi vì hiểu mình, hiểu con cái khó lắm.

Thời nay nhà ai khá giả cũng thuê người làm, và đương nhiên là cần thiết đối với những cặp vợ chồng quá bận rộn. Nhưng thuê người làm để chỉ chăm con mình theo kiểu giữ quả trứng mỏng, nuông chiều cục cưng của gia đình thì đúng là vô trùng hóa đứa con và sẽ rất dễ biến nó thành kẻ vô tích sự trong tương lai. Tui chưa bao giờ chiều chuộng con cái kể cả khi còn nhỏ, cho nên cũng may không có đứa nào hỏng.


Ảnh lấy từ mạng, không rõ tác giả

“Gia sư học thay trẻ con. Ô sin làm hết việc của trẻ. Vô hình chung, trẻ con thành phố bị “cướp” đi quyền lợi và nghĩa vụ học tập, lao động để phát triển trí tuệ cũng như thế chất bình thường của mình”, GS Văn Như Cương khái quát như vậy để thấy sự nguy hiểm của giáo dục không đúng cách, thương con theo kiểu hại con.

Tui mạnh dạn nghĩ thêm, không chỉ ô sin lúc nhỏ, nhiều người lớn rồi cũng được ô sin, gia sư chăm. Ô sin, gia sư đó là cha mẹ, lo cho từng thứ, lo công việc, lo xe đi, lo nhà ở, lo cưới vợ gã chồng, có gia đình rồi nhưng hết tiền ngửa tay xin cha mẹ.  

Cũng có người lập doanh nghiệp, giao con cái làm, nhưng trên thực tế cha mẹ làm thay hết, con có chức trong công ty cho có vì, ăn rồi long nhong sợ thiên hạ cười chê. Vậy thì cha mẹ là ô sin, là gia sư chứ còn gì nữa.

Cha mẹ đừng tự hào là chỗ dựa cho con cái, tại sao không nghĩ ngược lại là rút cái ghế dựa đó đi cho nó tự đứng.
Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp, muốn lập thân giữa thiên hạ, tui xin có lời khuyên chân thành với các bạn, hãy nói lời chia tay với gia sư, ô sin.

Trần Quí Thanh
—–
PGS. TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh
Rate this post

Bài viết liên quan

0 Comments

Bình luận

Required fields are marked *