Hãy khai thác CPTPP thành giá trị thật sự cho chúng ta

Trần Quí Thanh

Các quy định xuất xứ trong CPTPP là rào cản ban đầu cho doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường mới nhưng đồng thời là cơ hội cho doanh nghiệp thay đổi căn bản về cách thức sản xuất. Ảnh: Vnexpress, lời bình TBKTSG

—–

Trong khuôn khổ “Diễn đàn đối thoại về kinh tế tư nhân” diễn ra ngày 2.5 tại Hà Nội vừa qua, có một phiên bàn về sự chủ động của doanh nghiệp đối với CPTPP.  Theo tui, đây là nội dung rất quan trọng, có tác động tích cực đến tư duy của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân.

Lâu nay, doanh nghiệp trông chờ vào sự hỗ trợ của doanh nghiệp, gọi là “đồng hành cùng doanh nghiệp”, cho nên còn thiếu tính chủ động. Cụ thể như đối với Hiệp định CPTPP, trước đây bàn bạc rất sôi nổi, nhưng khi Hiệp định có hiệu lực chính thức từ đầu năm nay, thì có vẻ như không mấy ai quan tâm đến nữa. Doanh nghiệp cho rằng, chuyện Hiệp định liên quan đến nhiều nước, nên chờ đợi chính sách chung, thế nào Nhà nước cũng ra tay.

Chính  vì sự thụ động chờ đợi này, nên chưa thấy có những biến chuyển tích cực, chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh với các nước thành viên.

Một nguyên nhân thụ động khác, đó là đa số doanh nghiệp lo chống chọi với sự tồn tại sản phẩm của mình với thị trường trong nước, cho nên không còn sức đâu để nghĩ tới chuyện “quốc tế”. Nhưng trên thực tế, cuộc cạnh tranh đang diễn ra rất mạnh mẽ, và đến khi chúng ta “tỉnh ngộ” thì e rằng không còn kịp để chống đỡ với làn sóng hàng hoá các nước ập vào.

Một số mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam có thể xâm nhập thị trường các nước thì doanh nghiệp không nên ngồi chờ sự hỗ trợ của ai, bởi vì không Nhà nước nào làm thay doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự tin xông ra thị trường thế giới có nghĩa là, nói như ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công thương, đó là chuyển từ bị động, phòng ngự, sang tích cực, chủ động. 

Tuy nhiên, muốn chủ động “tấn công” thì phải nghiên cứu thật kỹ thị trường các nước, “biết địch biết ta”, nếu không thì sẽ thất bại. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ và việc vượt qua các rào cản kỹ thuật đang cản trở sự chủ động của doanh nghiệp Việt trong CPTPP. Vậy thì, không ai có thể làm thay được doanh nghiệp trong việc giải quyết các hạn chế này.

Tui đã có một vài bài viết liên quan đến Hiệp định CPTPP, và đã đưa ra ý kiến rằng, tham gia bất cứ hiệp định thương mại nào, thì quan trọng nhất vẫn là sự chủ động và sự chuẩn bị của doanh nghiệp trong việc tham gia hiêp định, nếu không thì không tạo ra được giá trị hay lợi ích gì nhiều mà WTO là một ví dụ. Thử khách quan đánh giá xem, sau khi tham gia hiệp định này, chúng ta đã làm được gì?

Hãy biến CPTPP trở thành giá trị thật sự của chúng ta, không phải chỉ đứng nhìn các quốc gia thành viên khai thác giá trị. Và để làm được điều đó, không phải là việc riêng của Nhà nước, mà là sức mạnh hành động của cộng đồng doanh nghiệp.

 

Sài Gòn ngày 05/05/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Doanh nghiệp chủ động cỡ nào trong CPTPP

(https://www.thesaigontimes.vn/288333/doanh-nghiep-chu-dong-co-nao-trong-cptpp.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *