Học sinh không phải là nguyên liệu đúc chiếc bánh thành tích

Trần Quí Thanh

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định hành vi phản giáo dục trong vụ giáo viên chỉ đạo tát học sinh 231 cái. (Ảnh: Theo TC Giáo dục – Chú thích theo Báo Lao Động)

—–

Không muốn nói thêm gì về vụ 231 cái tát vì tui cảm thấy như càng nói càng đau, nhưng sự việc xảy ra tiếp theo bắt tui phải lên tiếng, một lời cảm thán về nỗi buồn cho nền giáo dục hôm nay.

Sự việc xảy ra tiếp theo đó là cô hiệu trưởng bắt 23 học sinh lớp 6 trả lời phiếu điều tra gồm 19 câu hỏi. Phiếu điều tra đó như một bản cung, và các học sinh là bị can. Việc này chẳng khác gì hành vi khủng bố, tra tấn tinh thần của những đứa trẻ.

Dẫu biết rằng không thể vì chuyện của một trường học và đánh giá cả một nền giáo dục, nhưng không phải thế, vì có quá nhiều chuyện xảy ra nhiều nơi, cho thấy một hệ thống đang bị lỗi, không phải là chuyện riêng lẻ, cá biệt.

Cô hiệu trưởng của một trường, vì chạy theo thành tích nên áp đặt khuôn mẫu xuống toàn trường, giáo viên trong trường học đó phải đúc học trò theo cái khuôn định sẵn. Đây là chuyện của một trường nhưng là tình trạng chung của cả hệ thống.

Trường học để dạy học sinh không phải là cái khuôn đúc thành tích cho nhà trường và cho ngành giáo dục. Học sinh không phải là vật thí nghiệm và càng không phải là nguyên liệu để đúc ra chiếc bánh thành tích. Vì vậy, căn bệnh thành tích không chỉ phá hoại nền giáo dục mà đôi khi còn là tội ác đối với xã hội mà nạn nhân trực tiếp chịu cái ác đó chính là con cái chúng ta.

Đã là 231 cái tát thì dù mạnh hay nhẹ nó cũng là cái tát, như nhiều ý kiến từng cho rằng đó là cái tát vào ngành giáo dục.

Và bản cung 19 câu hỏi hành hạ tinh thần các cháu nhỏ, chưa kể dạy các cháu dối trá, nói sai sự thật để phục vụ cho việc chạy tội của cô giáo và cô hiệu trưởng.

Hãy thử đọc bản cung, tui tin rằng ai cũng thấy sự hãi: Cô T quy định phạt tát thời gian nào? Khi tát bạn N, cô T có mặt ở lớp không? Em tát vào bạn N mạnh hay nhẹ? Bạn N có nói tục không? Khi tát bạn N có khóc không? Sau khi tát, má bạn N có đỏ không? Sau khi tát, bạn N có bị chảy máu không? Sau khi tát bạn N, cả lớp có sợ hãi bật khóc không? Sau khi tát, bạn N có ở lại học không?

Thật không thể tưởng tượng được, những thứ bệnh hoạn này lại sinh ra từ đầu óc của cô hiệu trưởng, của một nhà giáo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: “Cô giáo đã vi phạm đạo đức, còn hiệu trưởng, ban giám hiệu thì hạn chế, yếu kém trong năng lực, nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu trách nhiệm, thoái thác trách nhiệm khi cho khảo sát việc đã rất rõ ràng. Việc làm phát phiếu khảo sát của hiệu trưởng cũng là hành vi phản giáo dục”.

Hiệu trưởng có hành vi phản giáo dục thì không thể xứng đáng làm hiệu trưởng, và cũng không xúng đáng làm nhà giáo.

Xử lý cô giáo T cho tát học sinh và cô hiệu trường là việc đương nhiên nhưng chưa đủ.

Lỗi hệ thống thì phải chữa từ hệ thống, nó đang bị virus thành tích.

Sài Gòn ngày 4/12/2018

TQT

Bài đọc thêm, Link: Vụ 231 cái tát: Hiệu trưởng phát phiếu khảo sát là “phản giáo dục”

(https://laodong.vn/giao-duc/vu-231-cai-tat-hieu-truong-phat-phieu-khao-sat-la-phan-giao-duc-644673.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *