Kênh phân phối do nước ngoài nắm, lợi hay hại?


Nguồn ảnh: Báo Doanh nhân Sài Gòn

 
Thưa anh,
 
Em chỉ là nhà “buôn nhỏ” nhưng thấy một vấn đề đang nổi lên ở thị trường nước ta, cảm thấy lo lắng nên thư này hỏi anh.
 
Báo Doanh nhân Sài Gòn có đưa ra một vấn đề: “Những thương vụ bán lại hệ thống phân phối đã giúp một số doanh nghiệp lãi đậm nhưng lại làm dấy lên những lo ngại hàng Việt Nam mất dần chỗ đứng trên thị trường.” Nếu kênh phân phối do nước ngoài nắm thì hàng sản xuất không chóng thì chầy cũng do nước ngoài nắm.

Vậy làm sao để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trong thị trường Việt?

Xin anh có đôi lời.

Kính anh
Hồ Kim Thu ( Hà Nội): hokimthu_1965@gmail.com
 
—–

Bạn Hồ Kim Thu thân mến
 
Quá trình hội nhập kinh tế những năm gần đây đã giúp cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận được với tư duy kinh tế thị trường và cách làm ăn của các doanh nghiệp có đẳng cấp quốc tế. Một trong những cách mà mình học được của người ta là xây dựng hệ thống phân phối.

Các cửa hàng bán lẻ, tiệm tập hóa, chợ truyền thống dần dần nhường chỗ cho các chuỗi siêu thị hiện đại. Các kênh phân phối này tiêu thụ hàng hóa mạnh nhất, cho nên doanh nghiệp nào có hệ thống phân phối rộng lớn thì làm chủ được sản phẩm của mình (nếu có), và quan trọng hơn là chiếm ưu thế đối với các nhà sản xuất.

Thông thường, các nhà sản xuất chỉ làm ra sản phẩm, nhưng điều quan trọng là có tiêu thụ được hay không. Nhà sản xuất phải đựa vào chuỗi siêu thị của các doanh nghiệp phân phối để tiêu thụ sản phẩm, cung cấp hàng cho các tiệm tạp hóa thì biết đến kiếp nào mới bán được với số lượng lớn.

Các doanh nghiệp chuyên kinh doanh lĩnh vực này phân tích được thị trường Việt Nam, và họ tìm mọi cách để thâu tóm các hệ thống phân phối bằng cách mua lại hoặc mua cổ phần. Doanh nghiệp trong nước bán hệ thống phân phối tất nhiên ôm món lợi lớn, nhưng xét về lâu dài, tiềm ẩn nguy cơ cho hàng sản xuất trong nước khi hàng hóa nước ngoài có cơ hội xâm nhập thị trường nhiều hơn. Được cho cái riêng nhất thời, nhưng hại cho cái chung lâu dài.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam thâu tóm các chuỗi siêu thị như Vingroup mua Maximark thì chẳng sao, bởi vì các ông chủ người Việt vẫn không quay lưng với các sản phẩm sản xuất trong nước. Nhưng nếu giao vào tay các ông chủ nước ngoài, thì dần dần, trong các quầy kệ của siêu thị, hàng ngoại sẽ ngập tràn, và không loại trừ một kịch bản, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bị mất ưu thế. Một dẫn chứng cụ thể, khi các ông chủ Thái Lan chiếm được tới đâu các kênh phân phối, thì hàng Thái Lan có mặt tới đó.

Từ thực tế này, có thể dự báo được, một khi các doanh nghiệp nước ngoài làm chủ các kênh phân phối, thì dứt khoát hàng hóa sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường có quy luật của nó, không ai có thể ngăn cản được Nguyễn Kim bán 49% cổ phần cho Power Buy, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam đã bán hết các trung tâm thương mại cho Tập đoàn TTC đến từ Thái Lan, bởi vì chiến lược kinh doanh là việc riêng của từng doanh nghiệp.

Biết trước được doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các kênh phân phối trong nước không chỉ ngồi đó để than phiền, mà còn phải nhận ra âu cũng là điều hay. Vì sao, đứng trước mối đe dọa này, các nhà sản xuất trong nước chỉ còn có cách duy nhất là làm ra sản phẩm có chất lượng cao để chen chân vào được trong các chuỗi siêu thị hiện đại đó.

Sản phẩm tốt, giá hợp lý là câu trả lời duy nhất cho sự tồn tại và thành công, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nếu chỉ nghĩ dựa vào hệ thống phân phối của ông chủ người Việt để bảo vệ mình thì làm sao bước chân ra nước ngoài?

Đó là câu trả lời cho câu hỏi “làm sao để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trong thị trường Việt?” mà bạn đã đặt ra.

Mong bạn có cái nhìn tích cực như vậy. Chúc thành công.
 
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi:tranquithanh1953@gmail.com)
 
 
 
 
 
 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *