Kịch bản làm ăn hậu dịch bệnh corona

Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)/ Báo Tuổi Trẻ

Nguồn hình: Báo Diễn đàn doanh nghiệp

—–

Dịch Coronavirus gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, hàng không bị nặng nhất.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho báo chí biết, trường hợp thị trường có thể phục hồi vào tháng 7 tới, VNA vẫn có thể bị thiệt hại 196 triệu USD (tương đương hơn 4.500 tỷ đồng) do dịch nCoV.

Tổng cục Du lịch ước tính ngành du lịch có thể thiệt hại từ 5,9-7,7 tỉ USD trong ba tháng tới. Trong đó, lượng khách quốc tế có thể sẽ giảm 3,7-4,7 triệu lượt, khách nội địa giảm 10,9-15,3 triệu lượt.

Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, cho nên sự thiệt hại đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản là quá rõ.

Vài gạch dầu dòng trên để thấy rằng, dịch nCoV còn tác động tiêu cực và kéo dài, cho nên rất cần một kịch bản hồi phục kinh tế sau dịch. Có điều, không phải đợi hết dịch mới hành động, mà ngay từ bây giờ, phải có những cách làm sáng tạo để hạn chế tối đa tổn thất.

Mở thị trường mới để xuất hàng nông sản cũng như các mặt hàng khác của Việt Nam. Dịch đẩy chúng ta tới chân tường thì buộc phải tìm ra lối thoát.

Như ngành du lịch tính toán, “sẽ lên kế hoạch tổ chức các đoàn xúc tiến những thị trường tiềm năng, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và tổ chức các chương trình kích cầu dành cho những thị trường du lịch hàng đầu gửi khách đến VN” (Tuổi Trẻ).

Các ngành khác cũng vậy thôi, trong khó khăn thì phải tìm cách sống sót.

Và từng doanh nghiệp cũng vậy, nghĩ cách cứu mình trước, nhà nước cứu mình sau.

Trần Quí Thanh

—–

Cả nước đang chống dịch corona. Bên cạnh chống dịch, còn mặt trận khác đầy căng thẳng, đó là làm gì để duy trì mạch làm ăn vốn đang trên đà sung sức. Hàng loạt khó khăn bỗng dưng bủa vây người làm ăn.

Một số giải pháp gỡ khó đã được đưa ra, như Ngân hàng Nhà nước giải quyết về vốn. Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cũng đã có nhiều cuộc họp bàn gỡ khó cho doanh nghiệp. Nhưng như vậy chưa đủ.

Gỡ khó cho doanh nghiệp là việc cần làm ngay và có thể kéo dài. Nhưng phải thận trọng, cần bốc thuốc đúng bệnh, đúng lúc, nếu không sẽ phát sinh phản ứng phụ. 

Như năm 2009, nền kinh tế chựng lại do các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát cao của những năm trước đó, Việt Nam đã từng đưa ra gói kích cầu kinh tế. 

Chúng ta cũng có nhiều chương trình ưu đãi, khuyến khích như đánh bắt xa bờ, đóng tàu thép, chống hạn mặn, hỗ trợ lãi suất… và phần lớn đều phát sinh nhiều hệ lụy như nợ khoanh, nợ treo, nợ xấu tăng, sau này tốn kém công sức để giải quyết.

Vì thế, bài học rút ra là không vội vã, phải thận trọng để bốc thuốc đúng liều. Khó đến đâu gỡ đến đó, tìm đúng thuốc để hỗ trợ nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. 

Trước mắt, không chỉ ngân hàng mà ngành thuế cũng cần nhanh chóng nghiên cứu các quy định để có thể miễn, giảm thuế cho những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh như du lịch, thương mại, hàng không, nông nghiệp… 

Việc miễn giảm thuế phải thực sự mang tính hỗ trợ, không theo kiểu doanh thu giảm – thuế nộp ít đi. 

Nếu ngân hàng cơ cấu lại nợ, cho vay mới giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, việc miễn giảm thuế là liều thuốc bổ giúp doanh nghiệp khỏe trở lại. Bộ Tài chính cần phải sớm hành động vì mục tiêu này.

Một bài học khác cũng phải rút ra, đó là không chờ cứu, chờ hỗ trợ. Những ngày này rất cần tìm ra những câu chuyện, mô hình của tinh thần bươn chải vượt ra khỏi khó khăn để tồn tại, biến khó khăn thành cơ hội để định lại hướng đi ở từng doanh nghiệp, từng ngành kinh doanh. 

Như nhiều doanh nghiệp đang lệ thuộc nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nhân lúc này cần tìm những nguồn cung khác để có thể tự chủ sản xuất trong nhiều tình huống. 

Hoặc doanh nghiệp Việt có sản phẩm tương đồng với doanh nghiệp Trung Quốc, lúc này có thể bung ra tìm thị trường mới, lấp vào chỗ trống trong chuỗi cung ứng sản phẩm mà doanh nghiệp Trung Quốc để lại do không thể duy trì sản xuất vì dịch bệnh…

Rồi các hội ngành nghề, doanh nghiệp cùng “hiệp đồng” để tạo ra điểm mạnh, thế cạnh tranh, như hãng hàng không cùng nhau giảm giá vé, nhóm khách sạn giảm mạnh giá phòng, giảm tối đa chi phí để tour có giá hấp dẫn. 

Cứ rao, cứ chào; khi đỉnh dịch đi qua, tình hình trở lại bình thường, chắc chắn khi đó doanh nghiệp phải chạy hết công suất phục vụ.

Để biến khó khăn thành cơ hội, ngay lúc này rất cần doanh nghiệp, ngành kinh doanh xây dựng kịch bản làm ăn sau mùa dịch, kể cả chuẩn bị nhân lực, vật lực để có thể “tác chiến”, tận dụng cơ hội khi dịch đi qua. 

Cả thế giới đang làm thế, các doanh nghiệp, nhất là ở Trung Quốc và các nước trong khu vực, đang tính toán như thế. Chúng ta không thể chậm chân. Đừng chờ được cho sữa, hãy chuẩn bị từ bây giờ để có thể tăng tốc khi dịch bệnh đi qua.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ online

Link bài: Kịch bản làm ăn…

(https://tuoitre.vn/kich-ban-lam-an-hau-dich-benh-corona-20200210100937844.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *