Kinh doanh hướng đến chăm sóc sức khỏe của con người là ngành nghề luôn là “mũi nhọn”

Trần Quí Thanh


—–

Kính gởi bác Dr Thanh

Trước hết, trong mùa đại dịch này, cho chúng cháu gởi tới bác lời chúc sức khoẻ, an toàn và may mắn.

Thưa bác, chúng cháu là những thanh niên mới ra trường đầy nhiệt huyết khởi nghiệp. Nhưng thật rủi ro đại dịch covid-19 đã làm cả thế giới “bất động”, chúng cháu cũng bất động luôn. Thật buồn chán quá bác ạ.

Bỗng sáng nay chúng cháu bỗng gặp nhau ở ý tưởng: Phải chăng covid-19 đã cho các startup trẻ một cơ hội về chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng. Chẳng phải nước Giải khát của THP cũng thuộc ngành chăm sóc sức khoẻ đó sao, thưa bác?

Vì vậy chúng cháu lập tức viết thư này gởi bác, xin bác cho ý kiến về cơ hội của khởi nghiệp thuộc về ngành chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Rất mong bác hồi âm

Kính bác

Lê Mi – Hồng Đức (Sài Gòn): saigon_q12000@gmail.com

—–

Lê Mi – Hồng Đức mến!

Chắc các cháu đã nghe nhiều về câu nói “sức khỏe là vàng” rồi phải không. Có lẽ vì ai cũng nghe quá nhiều nên nhàm chán, không quan tâm lắm về câu nói này, đôi khi còn xem thường nữa đấy.

Nhưng nghĩ kỹ lại, sẽ thấy đúng đến tuyệt đối, chỉ khi nào lâm bệnh, con người mới thấm thía câu này.

Và chính vì lẽ đó, cho nên kinh doanh hướng đến chăm sóc sức khỏe của con người cũng là ngành nghề luôn là “mũi nhọn”. Xã hội càng phát triển, con người càng thu nhập cao, thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng cao. Bác cho ví dụ nhé, trước đây có mấy ai đi cạo men răng, chăm sóc răng miệng hay chăm sóc da đâu, nhưng hiện nay, các clinic về  làm răng và chăm sóc da mọc lên như nấm.

Các cháu có liên hệ đến nước giải khát của Tân Hiệp Phát, cho nên bác cũng giải thích thêm, đó là nước của Tân Hiệp Phát không thuộc ngành chăm sóc sức khỏe trực tiếp, mà chọn cách sản xuất sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cộng đồng, cho nên mới được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bác đặt thêm câu hỏi này nhé, các cháu có thấy ai đi khám bệnh, đi mua thuốc chữa bệnh mà trả giá không? Không có phải không. Thậm chí, với người có tiền, họ chọn mua thuốc đắt tiền, dịch vụ khám chữa bệnh cao cấp. Điều này cho thấy, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng là ngành nghề kinh doanh rất tốt.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong 5 năm tới, 6 quốc gia ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Singapore, Thái Lan và Indonesia có thể tăng chi tiêu cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lên 750 tỉ USD. Trong đó, chi tiêu cho công nghệ y tế sẽ vượt mốc 114 tỉ USD vào năm 2020. Các cháu có thấy rổ tiền về chăm sóc sức khỏe to vậy đó.

Nhưng nếu các cháu startup lĩnh vực này, đòi hỏi phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

Một là phải có chuyên môn sâu về lĩnh vực mà mình tham gia. Không thể đem sức khỏe, tính mạng con người ra để đánh cược với chuyện làm ăn của mình được. Pháp luật của Việt Nam có nhiều quy định ràng buộc về hoạt động kinh doanh liên quan đến sức khỏe của cộng đồng. Thời gian vừa qua, có nhiều điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ, nhưng đối với sức khỏe con người, luôn có những ràng buộc bằng hàng rào điều kiện kinh doanh không thể dẹp được.

Hai là có vốn liếng để đầu tư thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người thời nay. Y khoa thế giới phát triển không ngừng, các thiết bị y tế cao cấp giúp cho khám và điều trị bệnh hiệu quả, phải khai thác thành tựu khoa học của con người để nâng cao hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe cho khách hàng của mình.

Ba là đạo đức kinh doanh. Bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào cũng đòi hỏi phải có đạo đức, nhưng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thì đạo đức phải đỏi hỏi cao hơn. Bởi vì, sức khỏe con người không có bất cứ của cải nào có thể so sánh được.

Các cháu nhớ nhé. Chúc các cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

5 (100%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *