Kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo Cafef

—–

Kính gửi chú Dr Thanh,

Tụi cháu là  nhóm CEO trẻ ở Nha Trang mỗi quí gặp nhau một lần để nói chuyện nghề. Từ câu nói của Mr. Vũ “ Nhiều tiền để làm gì?” một bạn trong nhóm cháu bỗng bật ra câu hỏi: Chúng ta kinh doanh để làm gì? Thế là tất cả ngớ ra, ừ nhỉ, kinh doanh để làm gì nhỉ? Câu hỏi thú vị hay ngớ ngẩn ha chú?

Dù sao cũng mong chú trả lời giùm chúng cháu nhen.

Kính thư

Lê- Mi- Hoà ( Nha Trang): minhatrang_1989@gmail.com

—–

Lê – Mi – Hòa mến!

Không dễ để trả lời câu hỏi “chúng ta kinh doanh để làm gì?”. Để trả lời nó, phải thực sự có một chặng đường dài trải nghiệm trong kinh doanh mới có thể nhận ra. Nó là một sự thay đổi nhận thức qua một quá trình, không phải chỉ là lý thuyết suông.

Cho nên, chú không nói lý thuyết, mà chia sẻ trải nghiệm của đời mình.

Ban đầu, có lẽ tất cả mọi người đi kinh doanh đều nghĩ đến chuyện kiếm tiền, để làm giàu. Chuyện này đương nhiên, chẳng lẽ kinh doanh là để xài tiền.

Nhưng khi trải qua những sóng gió của thương trường, lên bờ xuống ruộng, rồi thành công, có được chỗ đứng trong cộng đồng doanh nghiệp, chú chiêm nghiệm cuộc đời kinh doanh của mình và nhận thức khác đi.

Kinh doanh để kiếm tiền, phải có lãi, nhưng quan trọng hơn nữa là tạo công ăn việc làm cho nhiều người, làm ra sản phẩm, của cải vật chất cho xã hội, đóng thuế cho nhà nước. Các cháu cứ thử nghĩ, mấy ngàn con người đang làm việc cho Tân Hiệp Phát, ai cũng có gia đình, vợ con, cha mẹ, chồng con, nếu làm ăn không tốt, để cho công nhân thu nhập thấp hay bị mất việc, thì ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Kinh doanh vì cộng đồng, vì tha nhân.

Nhìn thấy hàng hóa, sản phẩm của nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, dân mình bỏ tiền ra làm giàu cho họ, chú sốt ruột lắm. Cho nên, chú quyết tâm sản xuất nước uống có thể cạnh tranh với những gã khổng lồ như Coca, Pepsi. Lúc này, kinh doanh không còn là kiếm tiền nữa, nó được định nghĩa khác đi rồi. Còn vì danh dự, niềm tự hào dân tộc nữa chứ phải không các cháu.

Việt Nam chưa có nhiều tập đoàn kinh tế lớn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi các nước, chú thao thức về điều đó và quyết tâm xây dựng Tân Hiệp Phát thành tập đoàn lớn. Khi là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, xuất khẩu sản phẩm, thì nó không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế, cân bằng cán cân thương mại cho quốc gia, mà khẳng định với thế giới là Việt Nam có những tư nhân làm kinh tế giỏi, có lực lượng doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh, chứng minh về sự hiện diện của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước, đó là câu trả lời.

Các cháu tham khảo và sẽ tự định nghĩa khi các cháu trưởng thành trong cuộc đời doanh nhân.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *