Kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều sức ép từ bên ngoài

Thảo Cao/ ZingNews

Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ khẳng định dù đang phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng, tình hình kinh tế – xã hội nước ta vẫn đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” diễn ra sáng 18/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tình hình kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng.

Sau khi giảm sâu nhất trong quý III/2021 (âm 6,02%), kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP, tăng trưởng từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay.

Dien dan Kinh te anh 1
Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”. Ảnh: Quochoi.vn.

Thách thức đang gia tăng

Trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế – xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Tuy vậy, theo ông Vương Đình Huệ, tình hình kinh tế – xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. “Việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội còn rất nhiều thách thức”, ông nhận định.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo.

Dien dan Kinh te anh 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Quochoi.vn.

Tại diễn đàn, GS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định tình hình thế giới và trong nước đang thay đổi rất nhanh, nhiều biến động và tiềm ẩn những rủi ro khó dự báo.

“Đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đa số nước nới lỏng các quy định phòng, chống dịch. Song trên thực tế, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt. Môi trường phát triển và những động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức”, ông nhận định.

GS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, ngược dòng bên ngoài, kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và trong gần 9 tháng qua duy trì được đà tăng trưởng rất khả quan, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có hiệu quả lạm phát, về cơ bản bảo đảm các cân đối lớn và được dự báo có mức tăng trưởng lạc quan trong năm 2022.

Sức ép từ bên ngoài

Tuy nhiên, ông Thắng chỉ ra các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đang chịu sức ép lớn từ bên ngoài.

Dù đạt được kết quả tích cực trong những tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm tốc do suy giảm kinh tế của các đối tác nhập khẩu chính, nhất là ba nền kinh tế lớn – Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc.

Về đầu tư, tuy chiếm tỷ lệ không quá cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư công lại có vai trò rất quan trọng, là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và các dòng vốn đầu tư tư nhân.

“Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tạo ra những hệ luỵ dây chuyền, đang ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Khó khăn sẽ gia tăng nếu dòng vốn đầu tư gián tiếp đảo chiều nhanh chóng khi mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng mạnh”, ông cảnh báo.

Ông Thắng cho rằng tiêu dùng trong nước là động lực có nhiều tiềm năng và đang tỏ ra vững vàng nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Cầu nội địa đã phục hồi rất mạnh nhờ việc khắc phục được cơ bản các đứt gãy của nền kinh tế trong nước và nhờ kết quả triển khai gói phục hồi kinh tế – xã hội. Đây là gói kích thích kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mức sống, an sinh xã hội, giữ vững niềm tin.

Trong ngắn hạn, sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành dịch vụ hướng nội (du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, nhất là hàng không…) đang tạo nền tảng tăng trưởng khá vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam.

GS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng là chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục “lội ngược dòng” thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động.

“Thực tiễn trước đây đã chứng tỏ rằng, chỉ khi các chỉ số vĩ mô được giữ ổn định, nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa để chủ động ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất ngờ và phục hồi nhanh chóng sau các biến động đó”, ông nói thêm.

Nguồn: https://zingnews.vn/kinh-te-viet-nam-dang-chiu-nhieu-suc-ep-tu-ben-ngoai-post1356592.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *