Làm gì để vượt qua khủng hoảng?

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Đến đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần hai, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh “thập tử nhất sinh”. Ngành du lịch dịch vụ bị ngưng trệ, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành sản xuất khác, kể cả nông nghiệp, ngư nghiệp, không chỉ là hàng không, giao thông vận tải.

Điểm sơ như vậy để thấy gần như tất cả doanh nghiệp đều gặp khó khăn, thậm chí khốn đốn.

Nhưng chẳng lẽ chúng ta bó tay chịu chết, đương nhiên phải tìm cách vượt qua, phải sống sót để chờ thời cơ phục hồi, phát triển. Quy luật của cuộc sống sẽ có sàng lọc, loại trừ, nhưng cuộc sống luôn đi tới.

Vậy thì ai sẽ bị loại trừ, ai sẽ sống sót hoàn toàn tùy thuộc vào chính mình không phải từ bên ngoài. Vì môi trường bên ngoài đều như nhau, không phải trên phạm vi một nước mà toàn cầu.

Khi xảy ra đợt dịch COVID-19 trước, tui đã có nói đến một vài cách để vượt qua khủng hoảng, nhưng mấy hôm nay, các bạn trẻ gửi thư hỏi về vấn đề này, nên tui xin chia sẻ thêm. Xin lưu ý một điều, tui chỉ nói bằng suy nghĩ cá nhân, kinh nghiệm từ bản thân, không có ý dạy dỗ như một giáo sư kinh tế hay như một lý thuyết gia, các bạn trẻ xem như là ý kiến tham khảo thôi nhé.

Lúc này, khi không đủ sức trả lương cho công nhân hay nhân viên, thì phải cắt giảm tối đa, chỉ giữ lại nhân sự đủ duy trì hoat động. Muốn lo cho ai thì chính mình phải tồn tại, “chết” rồi thì còn làm gì được. Doanh nghiệp phải sống sót, phục hồi, phát triển, thì nhận người lao động trở lại làm việc. Đó chính làm cái nhìn xa rộng.

Lâu nay, ai cũng nói số hóa, áp dụng các ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động của doanh nghiệp, thì đây là cơ hội tốt nhất để triển khai thực hiện. Mỗi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác nhau nên cách thức khai thác công nghệ khác nhau, tuy nhiên có một mẫu số chung là tối ưu hóa mọi hoạt động bằng khoa học, công nghệ, tự động hóa để giảm nhân sự đến mức tối đa.

Trong lúc khó khăn thì doanh nghiệp liên kết để hỗ trợ nhau, bảo vệ nhau và giúp nhau tồn tại. Nếu ai cũng nghĩ sống chết mặc bay, thân ai người nấy lo, thì ai cũng sẽ thất bại. Ngược lại, nếu biết liên kết, hợp tác, tìm cách nuôi nhau, thì sẽ vượt qua được khó khăn. Tui xin lấy ví dụ, Thaco Trường Hải hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai làm nông nghiệp và hợp tác với Hùng Vương để đầu tư nuôi heo và thủy sản.

Một doanh nghiệp tồn tại, phát triển, thì sẽ giúp cho cả cộng đồng doanh nghiệp thêm nguồn lực, đóng góp cho nền kinh tế, giải quyết việc làm cho xã hội.

Tập trung tối đa sức mạnh ý chí, không chấp nhận thất bại, quyết liệt vươn tới. Đó là điều kiện đầu tiên để sống sót.

Nhưng ý chí chưa đủ mà phải có lý trí, hay nói đúng hơn là có đầu óc, phát huy trí tuệ để đưa ra các sách lược ngắn hạn, dài hạn, tái cấu trúc, thay đổi công nghệ kịp thời, chính xác, hiệu quả.

Mà muốn làm được như vậy thì phải tìm cho được người thật giỏi. Không có những cá nhân xuất sắc thì không thể làm được việc lớn.

 

Sài Gòn ngày 25/08/2020

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *