Lấy tâm khoan dung mình mà khoan dung người khác

An Hoà/ Báo Tri Thức VN

—–

Một người khi phạm phải sai lầm hay bị người khác vạch ra chỗ thiếu sót thì nên cực lực phản biện hay bình thản nói lời thừa nhận? Một người khi bị người khác hiểu sai nên là nở nụ cười mà bỏ qua, hay là giận dữ chỉ trích lại? Khi đối mặt với sai lầm của người khác nên lựa chọn khoan dung hay phê bình, thậm chí là châm chọc, chế giễu? Cách hành xử như thế nào sẽ thể hiện ra phẩm chất đạo đức và mức độ tu dưỡng của người ấy.

Trong “Luận Ngữ. Vệ Linh Công” viết: Khi Vệ Linh Công hướng đến Khổng Tử hỏi về cách dùng binh đánh giặc, Khổng Tử đáp: “Những sự tình về lễ nghi hiến tế thì tôi còn nghe nói qua chứ chuyện dụng binh đánh giặc thì tôi chưa từng học qua”. Bởi vì đạo bất đồng nên ngày hôm sau Khổng Tử rời khỏi nước Vệ để đến nước Trần.

Ít ai biết rằng Khổng Tử vốn rất giỏi dụng binh, cai trị đất nước. Khổng Tử làm tướng nước Lỗ, đánh Lai Di mà Tề hầu sợ hãi, dẹp người Phí mà Phí phải thua chạy. Như vậy không phải là ông không thể làm võ tướng, mà là vì mục đích chân chính của ông là truyền đạo, thi hành đạo của mình.

Trên đường đi đến nước Trần, người học trò của Khổng Tử là Nhan Uyên hỏi ông về cách thống trị đất nước. Khổng Tử đáp rằng: “Trách cứ mình nhiều hơn, trách cứ người khác ít đi”. Lời nói của Khổng Tử cũng chính là mang ý nghĩa khuyên bảo người đời phải yêu cầu nghiêm khắc với chính mình nhưng đối với người khác phải dùng khoan dung để đối đãi.

Đại thần nhà Tống, Phạm Thuần Nhân mỗi lần răn dạy con đều nói: “Người dốt nhất cũng có thể sáng suốt khi trách cứ người khác, thế nhưng một người vô cùng thông minh thì khi khoan thứ chính mình cũng có thể hồ đồ. Nếu một người có thể dùng tâm trách cứ người đến trách cứ mình, dùng tâm tha thứ mình đến tha thứ người khác thì không sợ không đạt được địa vị của thánh hiền”. Đạo lý này của Phạm Thuần Nhân cũng giống với đạo lý “trách mình, khoan thứ người” của Khổng Tử.

Phạm Thuần Nhân nói những lời như vậy và ông cũng đã sống cuộc đời như vậy. Cả đời ông đều chú trọng tu tâm dưỡng tính. Đối với việc ăn uống, ông không bao giờ kén chọn, đối với người khác cũng không bao giờ trách móc nặng nề. Khi từ quan nha trở về nhà, Phạm Thuần Nhân lập tức thay quần áo vải thô, điều này đã trở thành thói quen hàng ngày của ông.

Một vị tể tướng khác cũng có lòng dạ rộng lớn, khoan hồng độ lượng với người ngoài như vậy là Hàn Kỳ thời Bắc Tống. Những giai thoại về lòng khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ được ghi lại rất nhiều trong sử sách.

Lúc Hàn Kỳ còn canh giữ ở Tương Châu. Một lần, ông vì đi cúng tế miếu Khổng Tử mà nghỉ lại ở ngoài. Không ngờ, ông gặp phải một tên cướp muốn lấy mạng ông để giao cho ngoại tộc lĩnh tiền. Hàn Kỳ không những bình tĩnh lấy tiền trên bàn đưa cho tên cướp mà còn giữ vẻ mặt không chút sợ hãi. Tên cướp chứng kiến cảnh ấy liền nói: “Tôi nghe nói khí lượng của ngài rất lớn, cho nên nay đến thử xem sao. Thứ ở trên bàn là ngài tặng tôi, hy vọng ngài không đem chuyện này tiết lộ ra ngoài”.

Kết quả là Hàn Kỳ thực sự giữ lời hứa, không kể sự tình đó cho một người nào khác. Về sau, tên cướp này vì phạm tội khác mà bị phán tử hình. Trước khi bị xử tội, tên cướp đã kể ra câu chuyện này và nói với mọi người: “Ta sợ rằng sau khi ta chết đi, đức hạnh của Hàn Kỳ không được người đời biết đến”.

Khi Hàn Kỳ dẫn quân đến đóng quân ở Định Châu, có một lần ông ngồi viết thơ vào buổi tối nên đã gọi một binh sĩ cầm nến đứng bên cạnh để chiếu sáng. Binh sĩ này mải nhìn đi chỗ khác nên sơ suất làm cây nến bị nghiêng và cháy vào tóc của Hàn Kỳ, Hàn Kỳ lấy tay áo dập lửa rồi lại tiếp tục viết thơ.

Một lát sau, ông quay lại nhìn thì phát hiện ra người cầm nến bên cạnh đã được đổi thành người khác. Vì sợ viên quan chủ quản sẽ trách phạt binh sĩ kia nên ông vội vàng gọi viên chủ quản đến và bảo: “Không cần đổi người, anh ta hiện tại đã biết cách cầm nến rồi”. Từ đó về sau, quan binh trong quân đội ai nấy đều bội phục tấm lòng khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ.

Lữ Mông Chính, đại thần thời Bắc Tống cũng là một người như vậy. Ông cũng là người không tính toán, so đo đến lỗi của người khác. Lúc ông vừa làm chức Tể tướng, có một quan viên ở trên triều đã rất xem thường ông, thậm chí còn ở trong bức mành mà chỉ vào mặt ông, nói: “Loại người như vậy cũng làm Tể tướng sao?”

Dù vậy, Lữ Mông Chính vẫn giả vờ như không nghe thấy gì mà bước qua. Nhưng những người bên cạnh ông lại rất tức giận. Họ khuyên ông phải tìm cho ra danh tính của người đã nói câu ấy, nhưng Lữ Mông Chính đã ngăn lại. Đến tận lúc tan triều, họ vẫn bất bình thay ông.

Lúc này, Lữ Mông Chính nói: “Biết để làm gì đâu! Một khi đã biết danh tính của người này thì sẽ không dễ dàng quên đi được, không biết chẳng phải là tốt hơn sao?” Mọi người nghe xong ai cũng bội phục tấm lòng độ lượng và thái độ bình thản của ông.

Những người đạo đức cao thượng thời xưa khi bị người khác hiểu lầm hay nhục mạ đều chọn cách khoan dung đối đãi lại như thế. Họ đều lấy tâm trách người mà trách mình, lấy tâm tha thứ mình mà tha thứ người. Khi nhìn thấy lỗi lầm của người khác, họ không chỉ tha thứ cho đối phương, mà còn lấy đó để cảnh giới mình, nghiêm khắc yêu cầu bản thân không phạm phải lỗi lầm ấy. Đó vừa là cách sống được người đời kính trọng, vừa là cách tu dưỡng bản thân, cũng là bài học đối nhân xử thế khoan dung cho người đời sau noi theo.

NGUỒN: Theo Báo Tri Thức Việt Nam

Link bài:Lấy tâm khoan dung mình…

(https://trithucvn.net/van-hoa/lay-tam-khoan-dung-minh-ma-khoan-dung-nguoi-khac.html)

5 (100%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *