Lựa chọn người xuất sắc để đào tạo mới có hiệu quả

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi anh Trần Quí Thanh,

Em là nữ doanh nhân đã về hưu, nay về giúp các cháu lập nghiệp (em có ba cháu). Em đọc thường xuyên blog của anh, chăm chú nghe anh chuyện trò với các bạn trẻ để lấy đó làm bài học cho các con mình. Cảm ơn anh rất nhiều.

Nay em muốn đặt vấn đề là, quan điểm của anh về đào tạo và phát triển cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp trong thời đại số là thế nào? Vì các chuyên gia mỗi người nói một ý, nên em muốn nghe anh. Rất mong anh hồi âm.

Kính chúc anh sức khoẻ, an vui.

Lê Thị Minh Nghĩa (Đồng Nai):minhnghia_leminh2011@gmail.com

—-

Lê Thị Minh Nghĩa mến,

Chúng ta đều biết, không một trường đại học nào có thể đào tạo đủ kiến thức cho sinh viên, để khi sinh viên đó ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu công việc. Sinh viên vào một công ty, trong quá trình làm việc chính là quá trình học tập, hoàn thiện mình về nhiều mặt, không chỉ là kiến thức, kỹ năng, mà còn là kinh nghiệm, văn hóa ứng xử.

Ngay cả sinh viên tốt nghiệp những trường đào tạo tốt, có kiến thức vững vàng, thì cũng phải tiếp tục học tập, vì cuộc sống luôn đi tới, công nghệ mới ra đời, thay thế cho những cái cũ.

Quá trình “phá hủy sáng tạo” của từng quốc gia đã đóng góp cho nhân loại những giá trị mới, cứ liên tục phá hủy và liên tục sáng tạo. Cho nên, các doanh nghiệp muốn đi xa, bắt kịp với chuỗi giá trị đó để tạo ra các sản phẩm đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì bắt buộc phải đào tạo thường xuyên cho nhân viên mình.

Trước tiên, muốn làm được điều đó tất nhiên phải có tiền. Bỏ tiền đầu tư dây chuyền công nghệ, nhưng không đầu tư cho bộ não của con người thì không thể vận hành các thứ đó hiệu quả.

Lựa chọn người để đào tạo là việc thứ hai. Tùy theo vị trí công việc để chọn người xuất sắc nhất để đặt vào đó. Và cũng tùy theo nhu cầu để đào tạo đúng chuyên môn, nâng cao trình độ. Phải chọn người giỏi, xuất sắc để đầu tư, nếu đào tạo dàn trải, sẽ tốn kém và không hiệu quả.

Thứ ba là thưởng phạt phân minh. Trong doanh nghiệp, người được cử đi đào tạo cũng giống như nhận một nhiệm vụ, ai hoàn thành xuất sắc người đó được khen thưởng, ai không học hành tốt thì bị phạt. Phải siết chặt kỹ luật như vậy thì việc đào tạo mới có hiệu quả.

Đó là ba điều mà anh rút ra từ kinh nghiệm về đào tạo phát triển, xin chia sẻ với em.

Chúc em vui nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *