Luật không nên làm nhân sự cho tổ chức tư nhân

Trần Quí Thanh

Giáo sư Trương Nguyện Thành (Ảnh minh họa: Vietnamnet).

Câu chuyện GS Trương Nguyện Thành không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen đã gây những phản ứng đầy bức xúc trong dư luận. Tui chưa được hân hạnh gặp GS Trương Nguyện Thành, nhưng qua thông tin trên báo chí, tui thực sự ngưỡng mộ ông.

Đọc lý lịch khoa học của GS Trương Nguyện Thành, bất cứ ai cũng phải kính nể. 200 bài báo công bố quốc tế là ước mơ của những người làm nghiên cứu khoa học. Các đợt phong GS, PGS ở Việt Nam, nhiều vị mong có được một bài cho đủ điểm cũng không xong, phải chạy, phải đạo văn mới có.

Tài sản khoa học mà GS Trương Nguyện Thành sở hữu không chỉ là 200 công bố quốc tế, mà còn 2 bằng sáng chế quốc tế. Ông là giáo sư của Trường Đại học Utah, một trường đại học danh giá của Mỹ.

Nhưng nghiệt ngã là ở chỗ GS Thành đạt chuẩn Mỹ, chuẩn quốc tế, còn không đạt chuẩn Việt Nam để làm hiệu trưởng, vì theo luật, ông chưa có 5 năm làm quản lý khoa, phòng của một cơ sở giáo dục đại học. Luật là luật, cho nên GS Trương Nguyện Thành phải khăn gói về lại Mỹ, mặc dù trước đó, ông có cam kết sẽ cùng Trường Đại học Hoa Sen thực hiện giấc mơ đóng góp những thay đổi cho nền giáo dục đại học cho Việt Nam.

Chưa biết GS Trương Nguyện Thành sẽ đóng góp những gì vì ông chưa có cơ hội thực hiện, nhưng qua cách tư duy của ông, tui thấy rõ được sự công phá vào thành trì bảo thủ, trì trệ, cơ hội khoa học bấy lâu nay. Ông muốn giải phóng sức sáng tạo, cổ vũ cho cái mới. Câu chuyện GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi áo thun lên giảng đường trong một giờ giảng bài với mục đích đưa ra thông điệp vứt bỏ cái cũ, cái “khăn đóng áo dài” đã quá rập khuôn.

Và đau là ở chỗ, GS Trương Nguyện Thành là nạn nhân cho chính cái rập khuôn, cái bảo thủ mà ông đã chỉ ra và muốn loại trừ. Người ta đã đúc một cái khuôn nhân sự bằng luật, và không may cho ông, ông không lọt vào cái khuôn ấy cho nên ông phải ra đi. Ông muốn dạy cho sinh viên phá bỏ cái cũ, sáng tạo để phát triển, nhưng ông không thể “dạy” được cái đã cũ, đã bảo thủ, đã trì trệ.

Một trường đại học tư, có hội đồng quản trị đại diện cho cổ đông để đưa ra các quyết định, trong đó có đề cử hiệu trưởng, nhưng luật lại can thiệp bằng quy định về tiêu chuẩn, cho nên luật cũng làm “công tác nhân sự” cho các tổ chức tư nhân.

Từ vụ việc của GS Trương Nguyện Thành không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng trường đại học tư ở Việt Nam bị dư luận phản ứng, mới thấy các quy định của luật không còn phù hợp thì phải thay đổi. Cụ thể ở đây là hãy để cho các trường đại học tư được quyết định nhân sự của họ, nhà nước cứ lo trường công. Ngay cả trường công rồi cũng tiến đến tự chủ, do hội đồng trường quyết định chọn ai làm hiệu trưởng, không cần phải luật can thiệp.

Sài Gòn ngày 07/05/2018

TQT

Đọc thêm bài,Link: Không đủ chuẩn làm hiệu trưởng, GS Trương Nguyện Thành rời ĐH Hoa Sen về Mỹ

(http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/khong-du-chuan-lam-hieu-truong-gs-truong-nguyen-thanh-roi-dh-hoa-sen-ve-my-449162.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *