Lương và thưởng

Trần Quí Thanh
 

Đồ hoạ: Tấn Đạt (báo Tuổi trẻ)

Những tranh cãi về tăng lương tối thiểu của các thành viên trong Hội đồng lương diễn ra khá căng thẳng, cuối cùng tại phiên họp thứ 3 ngày 7.8, Hội đồng đi đến thống nhất mức tăng 6,5%.

Vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về mức tăng này, về phía các cơ quan đại diện cho người lao động, đương nhiên sẽ nếu quan ddierm chưa hài lòng, thỏa mãn.

Tui làm chủ doanh nghiệp hết cả đời người, qua bao nhiều thăng trầm thế sự, lo cho biết bao nhiêu người lao động, nên có đủ trải nghiệm để chia sẻ về vấn đề này.

Trước hết, tui nghĩ việc tăng lương cho người lao động là cần thiết. Bởi lẽ, hằng năm, lạm phát đã làm mất đi giá trị đồng tiền, công nhân lao động thu nhập bị giảm đi mặc dù vẫn giữ mức lương cũ. Vậy thì, ít nhất cũng tăng lương đủ bù đắp vào khoản chênh lệch do lạm phát gây ra.

Người lao động là nguồn lực, là tài sản quý giá của doanh nghiệp, chăm lo cho họ đủ sống, tốt hơn nữa là sống đàng hoàng, đó là mong muốn của mọi doanh nghiệp, của tất cả những người làm chủ có lương tâm.

Tui nói thiệt bụng không phải khoe khoang gì bản thân mình, cứ mỗi lần lạm phát tăng, thế nào tui cũng tìm cách tăng lương bù vào cho công nhân. Rồi khi công việc kinh doanh thuận lợi, tui cũng sẵn sàng tăng lương, thưởng cho anh em có đời sống tốt hơn.

Có điều, tui nghĩ áp đặt một mức lương phải tăng cho mọi doanh nghiệp là điều không phù hợp. Mỗi doanh nghiệp có điều kiện khác nhau, có doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cố gắng tồn tại, giữ vững sản xuất để bảo đảm việc làm cho người lao động. Cho nên khi bắt buộc họ tăng lương ở mức quá năng lực tài chính của họ, chẳng khác gì bắt họ đóng cửa. 

Còn một thực tế khác, đó là năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện nay còn thấp. Đa số công nhân là người lao động tự do của đô thị hay người nông dân ở các tỉnh nông nghiệp, bước vào nhà máy không có nghề. Vậy thì khó có thể trả lương cho họ cao hơn chính nguồn lợi do họ làm ra cho doanh nghiệp.

Nếu như tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng thì buộc doanh nghiệp phải lấy nguồn tích lũy chi cho quỹ lương tăng. Một khi không có tích lũy thì doanh nghiệp không có nguồn vốn để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển doanh nghiệp. Cộng dồng doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều nhân tố vươn ra khỏi biên giới, phần lớn vẫn loay hoay kiếm sống trong nước là vì không có nguồn lực tài chính, chưa nói tới các nguồn lực khác.

Theo quan điểm của tui, ngoài việc trả lương cơ bản, chủ doanh nghiệp chú trọng cân đối giữa lương và thưởng. Những người có ý thức học hỏi, nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động hoặc có sáng kiến cải tiến kỹ thuật thì sẽ được khen và thưởng. Cộng hai khoản lương và thưởng sẽ ra tổng thu nhập (income) của người lao động trong năm. Với nhóm người này, thu nhập cao hơn lương cơ bản rất nhiều.

Cách giải quyết này trước hết là tạo ra sự công bằng, ai làm việc tốt thì sẽ có thu nhập cao, ai làm việc kém hơn thì thu nhập thấp hơn, tránh tình trạng cào bằng. Điểm tích cực thứ hai của khen thưởng là tạo động cơ để người lao động phấn đấu, tự học tập, rèn luyện để nâng cao tay nghề và tăng năng suất lao động, lao động siêng năng để tạo ra thành quả.

Sài Gòn 8/8/2017

TQT

Link bài: Tăng lương tối thiểu 6,5%: Có thực chất?

5 (100%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *