Máy bay “đốt tiền” và góc nhìn quản trị


Máy bay xếp hàng ở đường lăn chờ cất cánh tại Tân Sơn Nhất

Vietnam Airlines cho biết năm 2016,  do sự quá tải tại các sân bay, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất đã làm tăng giờ bay thực tế so với kế hoạch khoảng 1.392 giờ, đẩy chi phí khai thác của hãng tăng thêm khoảng 188 tỉ đồng.

Có nghĩa là vì bay lòng vòng trên không chờ không lưu dọn chỗ cho đáp nên phải đốt thêm nhiên liệu ngoài dự kiến. Nhiều lần về Sài Gòn, tui bị bay lang chơi vậy nên hiểu chuyện này.

Lời giải của nó là tổ chức lại tần xuất cất hạ cánh của hai đường bằng, đầu tư thêm nhà ga, đường lăn, sân ddỗ thì sẽ không phải đốt tiền trên không hàng trăm tỉ đồng. Biết là vậy nhưng chưa làm được, đến nay vẫn còn tranh cãi.

Hàng không là chuyên ngành riêng biệt, tui không dám bàn sâu, chỉ mượn câu chuyện máy bay “đốt tiền” trên không để tư duy về khoa học quản trị doanh nghiệp. Tui hay nói với nhân viên trong công ty, rằng phải luôn luôn động não, mở con mắt ra quan sát, để học cái hay, để nhìn thấy cái dở. Thấy được cái dở của người khác để tránh, đó là học.
 


Hành khách xếp hàng dài chờ đợi chuyến bay

Đừng tưởng chuyện của hàng không chẳng liên quan đến mình nên không có gì để học. Một doanh nghiệp để bị ngưng trệ vận chuyển, hay kéo dài quy trình vận chuyển cũng sẽ bị thiệt hại tương tự. Thiệt hại về thời gian, về chi phí xăng dầu và các chi phí khác. Bởi vì không nhìn thấy hoặc nhìn thấy nhưng không đưa ra phép tính, nên không định lượng được đã “đốt” bao nhiêu tiền mà thôi.

Nhiều người thắc mắc vì sao tui không xây cái biệt thự ở Sài Gòn như các đại gia khác, sáng có xe xịn đưa đi, chiều đưa về. Tui nghĩ khác, cứ sử dụng ngay một tầng trong công ty làm nhà ở, sinh hoat để làm việc ngay trong một tòa nhà. Tiết kiệm cho công ty rất nhiều.

Các nhà máy, kho bãi chứa hàng, đường đi lối lại để bốc dở hàng hóa được tổ chức khoa học thì sẽ không bị cản trở ra vào, tiết kiệm thời gian, tránh tối đa chi phí nhiên liệu do thời  gian chết. Xe chạy lòng dòng dưới mặt đất khác gì máy bay bay lòng vòng trên không trung. Đều là đốt tiền cả, mà đồng tiền đó tuy là của riêng doanh nghiệp, nhưng khi lãng phí thì đó là sự lãng phí của toàn xã hội.

Tổ chức hành chánh trong công ty cũng vậy, hệ thống văn bản, thư tín được  lưu hành thông suốt, không bị ách tắc, tận dụng công nghệ thông tin, giảm bớt giấy tờ, in ấn, mỗi năm cũng cả đống tiền.

Tui đi dự nhiều cuộc hội thảo, hội nghị thấy rất lạ. Ban tổ chức phát cho mỗi người một xấp văn bản, bài tham luận, rồi diễn giả lên bục đọc lại đúng nội dung đã phát hành, cả trăm đại  biểu ngồi dưới “dò chính tả”. Vậy thì không đốt tiền, đốt thời gian thì là gì?

Doanh nghiệp mà quản trị bộ máy theo kiểu đó thì làm không đủ tiền mua giấy, mực in và mua xăng đi họp.

Nhân đọc bài  “Hàng không “đốt” trăm tỉ vì phải bay vòng chờ ở Tân Sơn Nhất” trên Tạp chí Hàng Không, tui viết mấy dòng chia sẻ. Nếu ai quan tâm thì đọc cho vui nha.

Trần Quí Thanh
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *