Mầy giết cha mầy rồi biết không?!

Ns Xuân Hương / Báo Tuổi Trẻ Cười 

—–

Hôm nay là một ngày đen đủi nhứt trong cuộc đời đi học của cu Bin. Thậm chí đối với cu cậu là một ngày tồi tệ nhứt từ trước tới giờ. Bi kịch xảy đến khi trên lớp cô giáo cho làm bài luận văn tả về người cha của mình.

Cu Bin khóc rấm rứt suốt từ trên lớp và cả trên đường về tới nhà. Nó ấm ức là tại sao nó đã tả về cha nó đúng như đề bài đã cho là phải tả đúng người cha thật của mình, nó cũng đã “có sao tả vậy”, nhưng cô giáo đã gọi nó ra đứng trước lớp để phê bình nó thậm tệ rằng nó đã làm không đúng bài văn mẫu mà cô đã bắt cả lớp phải học thuộc lòng.

Đã vậy nó còn phải mang trên vai một món đồ mà đối với nó có sức nặng cỡ chừng cả ngàn ký lô gam. Đó là lá thư cô giáo gởi về nhà mời ba má nó đến gặp cô giáo để nói về chuyện hôm nay nó đã làm bài văn làm cho cả trường phải xôn xao bàn tán.

Trên đường đi, nó thấy từng bước chân của nó như dính chặt xuống mặt đường. Nó muốn làm sao để nó tan biến ngay trong không khí vì nó biết nó sẽ ra sao khi đứng trước mặt ba nó.

Nhưng rồi cái gì sẽ đến cũng phải đến. Thằng Bin đứng run rẩy trước mặt ba nó. Mặt nó tái nhợt theo từng cái gằn giọng của ba nó. Ba nó cũng run rẩy đến lạc giọng khi đọc tờ giấy của cô giáo viết gởi cho phụ huynh của thằng Bin – đó là ông.

– Bin! Tại sao con lại bôi tro trét trấu vô mặt ba vậy con?

Thằng Bin run rẩy lí nhí, nước mắt ràn rụa đáp lại:

– Dạ con đâu có làm gì đâu mà bôi tro trét trấu ba ơi!

Ba nó mở lá thư ra, đọc như quát vô mặt nó:

– Kính gởi phụ huynh của em cu Bin. Xin mời quý phụ huynh đến lớp 4A gặp cô chủ nhiệm để bàn về thái độ và tinh thần học tập của em, vì em là một học sinh cá biệt. Suốt cả học kỳ một, em không bao giờ chịu làm bài theo bài văn mẫu mà chỉ làm theo sở thích của em. Chính vì vậy những nhân vật của em tả luôn mang những hình ảnh xa rời thực tế như một nhân vật nào đó trong những câu chuyện hoang đường.

Đọc xong ông nửa như gào lên, nửa như rên rỉ:

– Con ơi! Từ nhỏ tới lớn ba chưa bao giờ để cho thầy cô phải có một lời quở trách, chứ đừng nói gì tới một lá thư gởi cho cha mẹ để cho ba má phải nhục nhã như vầy. 

Tại sao cứ mỗi lần làm văn tả người trong nhà mình là khi ra đường cả nhà phải cúi gằm mặt mà đi?! Con tả ông bà cũng chẳng ra sao, con tả ba má con mà người ngoài nghe cũng không thể chịu nổi, đến mức cô giáo phải mời ba đến để làm nhục ba thêm.

Rồi ông hét lớn lên:

– Tại sao vậy hả con???!!!

Cu Bin co rúm lại, khóc không ra tiếng. Nó nói như van nài:

– Ba ơi, con đâu có làm gì đâu. Cô giáo nói con thấy ba sao thì cứ viết vậy mà ba. Con làm y như cô nói thôi.

Ba cu Bin hỏi:

– Không nói dài dòng nữa! Con tả ba ra sao, con đọc cho ba nghe coi!

Cu Bin lấy tờ giấy ra đọc:

– Năm nay em được tám tuổi nên thấm thoát mà đã tám mùa xuân em được biết ba em. Ba em là một người cao lớn và oai vệ. Mỗi sáng mẹ em đều ngậm ngùi đứng trước cửa nhà vẫy tay tiễn ba em đi làm. Ba em đi xong thì mẹ em vô ngủ tiếp rồi sau đó ăn một tô phở rồi đi đánh tứ sắc. Còn em thì đi học với bác xe ôm. 

Chiều ba em đi làm về xách một giỏ xách thiệt bự. Mẹ em ra đón niềm nở rồi soạn đồ trong giỏ xách ra. Em thấy có rất nhiều món: nào là đồng hồ, dầu thơm, nhiều thứ kẹo bánh lắm. Bữa nào mẹ thấy ba móc tiền trong túi ra không có nhiều thì mẹ lại gặng hỏi: “Ủa bữa nay người ta không cho tiền nhiều à?”.

Rồi mẹ giận ba làm ba phải năn nỉ: “Thì tùy hỉ người ta muốn cho bao nhiêu thì cho chứ, nếu mình đòi thì người ta nói mình ăn hối lộ”.

Nghe đến đây người cha gầm lên:

– Mầy nói vậy là mầy giết cha mầy rồi biết không?! Tả người cha thì phải viết như bài văn mẫu người ta cho rành rành kia kìa! Là phải tả “ba tôi là một người công chức cần mẫn và gương mẫu. Ba tôi đi làm rất cực khổ. Công việc trong cơ quan rất nhiều đến mức ba tôi làm không kịp phải đem về nhà thức suốt đêm làm tiếp. Ba tôi là một tấm gương cho tôi noi theo….”

Rồi ông véo tai thằng Bin hét tướng lên:

– PHẢI VIẾT THEO BÀI VĂN MẪU, NGHE KHÔNG?!

Nguồn: Báo Tuổi trẻ online dẫn theo Báo Tuổi trẻ Cười

Link bài: Mầy giết cha mầy rồi biết không?!

(https://tuoitre.vn/may-giet-cha-may-roi-biet-khong-20171202222749171.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *