Mô hình kinh tế chia sẻ ngày càng thách thức trình độ quản lý

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Các phát minh khoa học công nghệ kéo theo những “phát minh” trong kinh doanh, mô hình kinh tế chia sẻ ra đời là một ví dụ. Ngoài Grab, Uber, ở Việt Nam đã phát triển mô hình Air bnb, chắc chắn sẽ còn nhiều lĩnh vực khác, không chỉ trong vận tải hay lưu trú.

Nhưng khi phát triển kinh tế chia sẻ, thì chính phủ các nước đều phải đối mặt với thách thức quản lý. Doanh nghiệp sử dụng công nghệ càng cao thì cơ quan quản lý càng mất kiểm soát, trên thực tế, cơ quan chức năng thường không theo kịp trình độ công nghệ mà đời sống sinh ra. Nếu đào tạo huấn luyện công chức và xây dựng chính sách quản lý kịp mô hình này thì có khi cuộc sống đã sinh ra cái mới.

Ngay tại Mỹ, khi Air bnb phát triển, một số thành phố ở bang California chịu áp lực thưa kiện từ các hiệp hội kinh doanh khách sạn, mỗi bang có những cách giải quyết khác nhau, nhưng không phải ở đâu cũng hài hoà được lợi ích của các bên.

Một điển hình tại Việt Nam là các doanh nghiệp taxi truyền thống kiện Grab, nhưng các cơ quan quản lý chưa giải quyết được xung đột này. Nếu cấm Grab thì trái luật vì ngăn cấm người dân kinh doanh, nhưng không quản lý hiệu quả thì thất thu thuế, không bảo vệ quyền lợi người lao động, người tiêu dùng và không đảm bảo sự công bằng với các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống.

Đã có nhiều hội thảo, toạ đàm về mô hình kinh tế chia sẻ và cách thức quản lý, nhưng vẫn bế tắc vì bản chất của xung đột ở đây là sự lệch pha về trình độ công nghệ mà phía lép vế là cơ quan quản lý. Cuộc sống vẫn lững lững đi tới, thì không thể dùng công cụ quản lý để cản lại, mà bắt buộc các nhà cai trị phải đổi thay cho kịp với thời đại.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho dù có đến chậm chạp ở Việt Nam thì nó vẫn phải đến. Và tui đồ rằng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp cận các thành tựu khoa học công nghệ trước các cơ quan quản lý, cho nên xung đột trong mô hình kinh tế chia sẻ là điều không thể tránh khỏi.

Một nhận thức không thể nào khác hơn đó là tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, mô hình kinh tế chia sẻ và còn nhiều mô hình khác sẽ ra đời, chính quyền phải có trách nhiệm hỗ trợ người dân kinh doanh hợp pháp. Chính quyền thông minh là làm sao để người dân kinh doanh làm giàu và nhà nước thu không sót một đồng thuế. Bên cạnh đó, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp, cho người tiêu dùng và người lao động.

Chính phủ điện tử chưa thiết kế hoàn chỉnh thì 4.0 là một khoảng cách quá xa. Đó mới là điều thực sự lo lắng trong việc quản lý mô hình kinh tế chia sẻ hôm nay và ngày mai.

 

Sài Gòn 05/08/2018

TQT

Đọc thêm bài,Link: Nên ứng xử như thế nào với mô hình kinh tế chia sẻ.

(http://enternews.vn/nen-ung-xu-the-nao-voi-mo-hinh-kinh-te-chia-se-133589.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *