Thế nào là “Thành phố thông minh”?

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Internet

Sau khi TPHCM công bố đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2025, người dân thành phố cũng như cả nước rất quan tâm. Như thế nào là đô thị thông minh cũng là điều mà dân muốn biết và tui cũng là nhân dân.

4 mục tiêu tổng quát của đô thị thông minh là: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.

Tui thấy các đô thị khác, địa phương khác cũng có mục tiêu như vậy, chẳng có gì mới hơn những cái đã nói. Ví dụ như hướng tới kinh tế tri thức thì các địa phương từng nói nhiều, nghe đến nhàm cả tai. Và tất nhiên, có địa phương nào không đưa ra mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Báo vietnamnet đưa ý kiến của Phó chủ tịch UBND.TP Trần Vĩnh Tuyến, Trưởng ban điều hành đề án Thành phố thông minh, rằng: xây dựng đô thị thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng…

Đây là những tiêu chuẩn, không phải của thành phố thông minh hay không thông minh, mà nó là nhu cầu bức thiết, đòi hỏi chính đáng của công dân của bất kỳ đô thị nào. Vấn đề là nơi nào làm được, đạt được hay không mà thôi.

Trong 4 chủ thể mà đô thị thông minh hướng tới, tui quan tâm đến chủ thể doanh nghiệp. Theo dề án, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh chính xác, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác.

Vậy thì những mục tiêu đề ra trên của chính quyền thành phố thông minh khác gì với những thành phố khác. Từ trước đến nay chúng ta vẫn nói như vậy, các địa phương vẫn đề ra mục tiêu như vậy, Chính phủ cũng chỉ đạo chung như vậy.

Ở đây, tui chưa thấy ranh giới rõ ràng để có thể thấy ngay được sự khác biệt giữa đô thị thông minh với các đô thị khác.

Những ý này trong đề án tui thấy là điểm mạnh của TPHCM:

Người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập.

Nếu khai thác được tối đa thế mạnh thì sẽ tạo được sự khác biệt, đặt biệt là tạo ra cơ hội học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức. Tuy nhiên, các thành phố khác cũng sẽ đặt ra những mục tiêu như vậy. Các địa phương khác không đứng yên để nhìn thành phố thông minh hành động.

Cho nên, những nội dung của đề án đặt ra đều rất tốt, và chỉ khi đạt những mục tiêu đó thì thành phố mới thông minh.

Sài Gòn ngày 27/11/2017

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *