Bữa nay đọc bàó biết các hãng sữa ở VN đang chi mạnh cho quảng cáo, khuyến mãi để giành thị phần trước nguy cơ sữa ngoại tràn vào. Tui mừng.
Có vậy chớ. Một quốc gia giàu là một quốc gia sản xuất và tiêu thụ nhiều sản phẩm, giàu hơn nữa thì phải xuất khẩu chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Nước Nhật sau thế chiến thứ hai, từ trong đống hoang tàn, họ đã chăm chỉ làm việc, tạo ra sản phẩm. Họ sản xuất ôtô, đồ điện tử,máy móc các loại, chiếm lĩnh được thị trường Mỹ, châu Âu. Giờ họ giàu đến độ tiền nhiều không biết làm gì, đem cho các nước nghèo vay để phát triển.
Việt Nam chưa sản xuất được cái radio đủ sức thuyết phục người tiêu dùng trong nước, thì chí ít cũng sản xuất được vài loại thực phẩm, thức ăn nước uống, đường sữa cung cấp cho thị trường 90 triệu dân.
Mới đây, ngành mía đường Việt Nam khốn đốn vì đường lỏng nhập từ Trung Quốc. Với giá rẻ hơn 2000 – 3.000 đồng/kg, đường Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất nội địa điêu đứng, hiện lượng đường trong nước tồn kho lên đến 750.000 tấn, được cho là mức tồn kho kỷ lục, có nguy cơ mất an toàn đối với ngành mía đường.
Với ngành mía đường, cạnh tranh chủ yếu là giá cả. Đường lỏng Trung Quốc rẻ hơn được người tiêu dùng mua nhiều hơn. Đó là quy luật, nhưng còn một quy luật khác là thái độ của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Mỗi người có ý thức chăm sóc sản phẩm trong nước bằng cách ưu tiên cho hàng Việt Nam, thì quốc gia mới có nền sản xuất phát triển.
Nhật Bản, Hàn Quốc có được ngày hôm nay là vì người dân nước họ có thái độ ứng xử với hàng hóa sản xuất trong nước trên tinh thần trách nhiệm công dân. Nếu ai cũng nghĩ chuyện phát triển của đất nước là của ai đó không phải của mình, sẽ không bao giờ có phát triển.
Trong lúc ngành mía đường lao đao vì hàng Trung Quốc thì ngành sữa trong nước đang nỗ lực chiếm thị trường. Các hãng sữa Việt tung tiền ngàn tỉ mở cuộc chạy đua truyền thông để quảng bá sản phẩm. Ngoài tên tuổi Vinamilk, còn có TH Tue Milk, NutiFood, FrieslandCampna, chưa kể các gương mặt nho nhỏ nhưng có võ như Long Thành, Đà Lạt, Mộc Châu, Ba Vì.
Cuộc canh tranh quyết liệt này đã cho thấy lợi thế thuộc về các hãng sữa trong nước, cuối năm trước. Cuối năm trước, Công ty Danone VN (Pháp) xác nhận ngừng bán sữa Dumex tại Việt Nam.
Sửa Việt thiệt đáng hoan nghênh. Thị trường Việt Nam bao năm bị sữa ngoài thao túng, giá cả khó kiểm soát, dân mình lại sính đồ ngoại, cho nên chịu thiệt quá đủ. Ngành sản xuất sữa Việt Nam không thể bỏ võ đài cho các hãng sữa ngoại “so gang” với nhau. Đường, sữa cũng phải giao cho nước ngoài, biết bao giờ mới phát triển? Cho nên thấy sữa Việt quyết “so găng” với hàng ngoại tui rất lấy làm tự hào.
Tui nói thiệt, khi nâng được thị phần nước uống của Tân Hiệp Phát lên thắng được Coca Cola ở thị trường trong nước, không phải mừng vì chuyện kinh doanh thôi, mà mừng vì sản phẩm của người Việt đã thắng được sản phẩm của ngoại nhập. Sướng cái bụng lắm.
Dù rất hoan nghênh nổ lực của ngành sữa Việt, nhưng tui cũng thưa thiệt thế này: Để đường, sữa cũng như nhiều sản phẩm khác cạnh tranh được với hàng ngoại, ta ta phải nâng cao chất lượng và hạ giá sản phẩm. Cái đó ai cũng biết nhưng làm được mới khó. Tui nghĩ bên cạnh nổ lực của các doanh nghiệp, nhà nước nên giảm tối đa các loại thuế, phí, tháo bỏ các quy định thanh kiểm tra.Khi doanh nghiệp giảm được chi phí, sẽ có tích lũy để tái đầu tư công nghệ, mẫu mã, nâng cao chất lượng. Từ đó mới nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại. Đấy mới là điều căn bản, chứ không chỉ đổ tiền ra quảng cáo.
Ta vẫn kêu gọi người tiêu dùng Việt yêu nước là ưu tiên sử dụng hàng trong nước. Bây giờ cần phải kêu gọi, doanh nghiệp Việt yêu nước là phải cố gắng tối đa để quyết “so găng” với hàng ngoại cả chất lượng lẫn giá cả.
Về phần mình tui hứa, THP sẽ phấn đấu tới cùng cho mong ước đó.
Link bài: Khốc liệt thị trường sữa