Phải chăng người Việt ngày càng hung dữ?

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Internet.

…………….

Chỉ trong dịp Tết, có tới hơn 4.200 ca nhập viện vì đánh nhau, thật đau lòng. Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở con số nạn nhân nhập viện, mà lớn hơn là trình độ dân trí của một cộng đồng, tính nhân văn của một quốc gia.

Điều này thực sự rất đáng lo ngại, bởi vì một khi đạo đức bị đổ vỡ trong cá nhân và trong cộng đồng, thì sự trả giá của một quốc gia quá lớn. Yếu kém về kinh tế có thể phục hồi lại trong một thập kỷ, nhưng băng hoại về đạo đức mất không biết bao nhiêu thế hệ mới cứu vãn lại được.

Có lẽ chính vì thấy được sự hiểm nguy này, nên Bhutan không chọn con đường tăng trưởng GDP, mà chăm sóc các chỉ số tăng trưởng về hạnh phúc. Một quốc gia nhỏ bé và còn nghèo, nhưng tự hào là đất nước hạnh phúc, là “thiên đường cuối cùng nơi hạ giới”.

Mấy hôm nay, tui đọc mấy cái tin người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ và bị sốc thực sự. Tình trạng này xảy ra liên tục, mặc dù có nhiều tiếng kêu cứu từ ngành y, nhưng không thấy có biện pháp bảo vệ thầy thuốc hiệu quả.  Nghĩ sâu xa hơn, tui thấy đau ở chỗ, vấn đề không phải là có công an bảo vệ bác sĩ, mà tại sao trong xã hội mình lại có những con người tấn công bác sĩ như kẻ thù vậy. Tui nói thiệt, từ nhỏ đến lớn, tui chưa bao giờ nghe tin người ta đánh bác sĩ ngay trong bệnh viện, giờ già rồi, nghe những chuyện này đau lòng lắm.

Người Việt mình ngày càng hung dữ, tui không biết các nhà xã hội học có khảo sát, thống kê và đưa ra kết luận hay không, nhưng nhìn vào thực trạng chung, qua thông tin trên báo chí, cho thấy có quá nhiều án hình sự, những vụ thảm sát và gây rối trật tự công cộng.

Trên mạng xã hội cũng vậy, chưa cần tìm nguyên nhân, kiểm tra thông tin, xem xét nhiều góc cạnh của một vấn dề, người ta có thể nhảy xổ vào ném đá một con người, một doanh nghiệp không thương tiếc, người ta hả hê về điều đó.

Vậy thì căn nguyên của sự dữ do đâu?

Thông thường, mỗi khi có những trường hợp băng hoại đạo đức, người ta quy trách nhiệm cho giáo dục. Nhưng tui thấy như vậy là không công bằng, bởi vì nhà trường chỉ đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển nhân cách và hình thành đạo đức trong mỗi cá nhân.

Gia đình là môi trường giáo dục quan trọng, cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước tiên về sự trưởng thành, về đạo đức, nhân cách của con cái, không thể là ai khác.

Cộng đồng xã hội cũng đóng một vai trò rất lớn trong việc xây dựng nhân cách của công dân. Mới đây, có những tranh luận về việc dẹp bỏ những lễ hội bạo lực như đâm trâu, chém lợn, chọi trâu, tui thấy đây là việc lớn, cần phải bàn rốt ráo để có quyết định đúng đắn, phù hợp. Có lần tui coi clip người ta treo cổ con trâu lên, nói thiệt tui không dám coi tới 10 giây. Ác quá.

Vậy thì hãy bớt đi những hành vi ác trong cộng đồng, thêm những hành vi thiện, đó là cách để giáo dục.

Tui thấy cần đề cao vai trò giáo dục đạo đức của tôn giáo, tạo điều kiện tối đa cho những bậc tu hành chân chính hành đạo. Một con chiên ngoan đạo chắc chắn sẽ sống tốt hơn một “tín đồ” của cờ bạc, số đề…

Sài Gòn ngày 25/2/2018

TQT

Link: Người Việt nhân văn hay độc ác?

(https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-nhan-van-hay-doc-ac-20180222105554193.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *