Phải tỉnh táo trong bảo vệ công trình văn hóa

Trần Quí Thanh

Cầu ba cẳng ở kênh Hàng Bàng (quận 6, TP.HCM) nay không còn nữa – Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ

Tại Hội thảo khoa học Di sản đô thị ở TP.HCM trong quá trình hiện đại hóa, TS Nguyễn Minh Hòa đưa ra một danh sách gồm 18 công trình đã biến mất trong quá trình xây dựng và phát triển TP.HCM.

Con số này gây sốc cho đại biểu tham dự hội thảo. Các nhà sử học, khảo cổ học chỉ có “khóc” vì sự “biến mất” đau đớn này.

Tất nhiên, khác với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, người làm kinh tế có cái nhìn riêng của họ. Nếu đập bỏ một công trình cũ để xây dựng một công trình mới, có nguồn thu cao, phục vụ cho phát triển kinh tế, thì đó là lựa chọn. Để một công trình được cho là cổ, là văn hóa, nhưng sập xệ, cũ nát, không khai thác được thì lãng phí, thậm chí là vô ích.

Hai quan điểm đều có cái lý riêng, và đó cũng chính là mâu thuẩn trong phát triển, là phải làm sao hài hòa giữ bảo tồn và xây dựng kinh tế cho một địa phương hay một quốc gia.

Việc bảo tồn các công trình lịch sử, văn hóa tránh khỏi sự xâm thực của các dự án kinh tế cũng giống như bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên. Mới đây, vụ tòa nhà Panorama trên dỉnh Mã Pì Lèng là một ví dụ.

Rồi Đồi Vọng Cảnh, Bạch Mã của Huế, Sơn Trà của Đà Nẵng, đều gặp những phản ứng dữ dội từ dư luận.

Các dự án động đến các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa đều phải được cân nhắc là vì vậy. Một dự án kinh tế là cần, nhưng nếu đổi lấy sự mất mát của một di sản văn hóa thì không thể chấp nhận, ví dụ như không thể động đến Hội An của Quảng Nam hay Hoàng Thành của Huế.

Tuy nhiên, có những công trình tuy cổ xưa, nhưng quá mục nát, hoang phế, không có giá trị lớn và cũng không thể phục chế được, thì cũng phải tính toán để lựa chọn phương án phù hợp. Thương xá Tax là một ví dụ, phải đập bỏ để thực hiện dự án kinh tế hiệu quả.

Xây dựng dự án kinh tế và tìm cách để tránh tổn thương đến các công trình văn hóa là việc nên làm, còn có cách để bảo toàn thì phải khai thác tối đa ưu thế đó. Ví dụ như ở Đà Lạt, đã có phương án không di dời Dinh Tỉnh trưởng. Trước đó các nhà vẽ quy hoạch đưa ra phương án di dời, nhưng sau khi có phản biện từ dư luận thì đã tìm cách giải quyết không di dời.

Không cực đoan trong bảo vệ công trình văn hóa, nhưng phải tỉnh táo để không bị xâm hại, thậm chí phá hoại.

Sài Gòn ngày 22/10/2019

TQT

5 (100%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *