Phòng chống dịch cực đoan sẽ làm tê liệt sản xuất kinh doanh

Trần Quí Thanh

 —–

 Anh Thanh thương mến! 

Biết anh từ thuở con nít nhưng không dám gần vì anh ngó bộ dữ nên sợ (hi hi). Nay già rồi hết sợ, lại thấy anh dễ thương (Hi hi). Nói chơi vậy anh đừng giận nghe. Meo cho anh chuyện này, thấy bức bối quá mà không biết nói cùng ai. 

Em thấy tình hình rất tình hình anh ạ. Đó là việc  phòng dịch cực đoan làm tê liệt nền kinh tế. Là nói toàn thế giới chứ không riêng gì mình đâu. Theo em nên điều chỉnh, không thì đói cả thế giới chứ không phải chuyện chơi. 

Ý anh thế nào cho em biết với nhen.

Em

Thu Thuỷ (Dân Cầu Muối): thuycaumuoi1964@gmail.com

—–

Thu Thủy mến!

Em nêu một vấn đề rất đúng, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cần phải điều chỉnh. Đó là việc phòng dịch phải phù hợp, không cực đoan khiến cho tê liệt các hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến các mục tiêu kinh tế.

Đại dịch COVID-19 chắc chắn tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu, nhưng chúng ta làm được bất cứ điều gì có thể để hạn chế thiệt hại, đó mới là điều quan trọng.

Đợt bùng dịch vừa rồi, một số địa phương trong nước, vì quá sợ dịch lây lan từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, nên đưa ra các biện pháp quá cứng, nhưng riêng TPHCM thì có quan điểm khác.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ TPHCM, tại cuộc họp ngày 10.8, Chủ tịch  Nguyễn Thành Phong khẳng định Thành phố không áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 mang tính chất cực đoan trong tình hình hiện nay, phải linh hoạt, thận trọng từng bước ứng phó, để vừa khôi phục phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch một cách có hiệu quả. Ông Phong yêu cầu giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động, vì liên quan đến việc làm, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Anh rất ủng hộ ý kiến chỉ đạo này của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, vì chống dịch cực đoan thì không chết vì dịch mà coi chừng “chết đói” như cách em nói đó.

Người dân TPHCM vẫn đi du lịch Vũng Tàu, Đà Lạt, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hoặc người từ các địa phương khác vẫn đến TPHCM bình thường, trừ ở các tỉnh bùng phát dịch. Chỉ có như vậy thì khách sạn, nhà hàng, quán ăn mới kinh doanh được, ổn định sản xuất kinh doanh, giữ được việc làm cho người lao động.

TPHCM đông dân, là địa chỉ giao thương lớn nhất nước, nhưng vẫn không cực đoan trong phòng chống dịch, thì các tỉnh, thành khác không nên quá căng thẳng, cách đó chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế của địa phương. Hãy mở cửa đón khách du lịch, tạo mọi điều kiện cho người dân bán được con cá, con tôm, bó rau, không để cho con cá mú phải bị bỏ đói, con tôm hùm phải bán giá bèo như báo chí đưa tin.

Không chỉ mở rộng cửa các tỉnh thành trong nước để giao thương, mà phải mở rộng cánh cửa quốc tế. Ngày 29.8, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xử lý việc mở đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và nhưng nơi có hệ số an toàn cao.

Việc mở các đường bay quốc tế không dễ, nhưng khó cũng phải làm, chống dịch cực đoan thì ai cũng chết. Tất nhiên khi quyết định kích hoạt lại hàng không, các quốc gia đều thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn cho hành khách và không lây lan dịch bệnh.

Vậy em nhé, có gì cứ meo cho anh.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *