Quản trị cảm xúc cao nhất là luôn giữ được sự tĩnh tâm

Trần Quí Thanh

 

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi chú Trần Quí Thanh

Thưa chú,

Gởi thư cho chú là để tâm sự một khó khăn của cháu. Cháu 40 tuổi, chưa chồng, làm CEO đã 10 năm nhưng ba cháu luôn mắng cháu không biết quản trị cảm xúc. Cháu đọc nhiều tài liệu về quản trị cảm xúc và cũng khôn ra được tí chút nhưng rốt cục ba cháu vẫn mắng.

Vậy xin chú giảng giải cho cháu biết là thế nào để thành công trong quản trị cảm xúc?

Kính mong chú trả lời

Năm mới chúc chú và THP vạn sự như ý.

Lê Hoài Thiên Thu (Sài Gòn): thienthu_lehoai1979@gmail.com

—–

Lê Hoài Thiên Thu mến!

Cảm xúc của con người thuộc về tự nhiên. Kinh sách Phật giáo ghi thất tình gồm: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục (mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, muốn). Trong thất tình, cảm xúc tích cực có, tiêu cực cũng có. Người có bản lĩnh là tự biết chế ngự cảm xúc của bản thân, người khôn ngoan luôn tìm kiếm cảm xúc tích cực.

Cháu 40 tuổi, bị ba cháu mắng không biết quản trị cảm xúc, chú không biết ba cháu có mắng oan cháu không, nhưng trên thực tế, có nhiều người tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa trưởng thành về cảm xúc.

Đối với người bình thường, nếu không chế ngự được cảm xúc, thì chỉ gây tai họa cho bản thân. Nhưng với một CEO, chuyện không còn là cá nhân, mà ảnh hưởng đến toàn công ty, cho nên mới dùng đến khái niệm “quản trị cảm xúc”.

Vậy thì giữa chế ngự cảm xúc với quản trị cảm xúc có khác nhau.

Một người bình thường giận thì hét một tiếng cho hả cơn. Nếu chế ngự thì họ nghĩ đến việc “một sự nhịn chín sự lành”.

Nhưng đối với một chính khách hay một nhà quản lý, khi vui cũng phải biết giữ gìn, vì nếu bộc lộ sự vui đó thái quá cũng chưa hẳn đã tốt, vì cá nhân mình còn là hình ảnh chung. Khen một nhân viên này quá lời, sẽ làm tổn thương đến nhân viên khác. Khi giận thì phải biết kìm chế, vì một quyết định nóng nảy có thể dẫn đến sai lầm nguy hiểm. Điều này cho thấy, cảm xúc cũng cần phải quản trị.

Là một người đứng đầu, trong “thất tình”, hãy cố gắng khai thác những tình cảm tích cực, đó là vui tươi, yêu thương, khoan hòa. Tối kị nhất là nóng giận, khinh ghét.

Cho dù hướng đến cảm xúc tích cực, thì trong quản trị doanh nghiệp, dứt khoát không thể để cảm tính chi phối. Người Việt vốn duy tình, cho nên điều hành theo cảm tính là việc thường xảy ra. Quản lý xã hội hay quản trị một tổ chức, tính khoa học đặt lên hàng đầu, mà khoa học thì đương nhiên là lý tính.

CEO là lãnh đạo, vậy thì người lãnh đạo không thể để cảm xúc chi phối trong công việc. CEO quản trị một doanh nghiệp, thì trước hết phải quản trị được chính mình, quản trị chính mình gồm công việc, sức khỏe và cảm xúc.

Quản trị cảm xúc cá nhân của một lãnh đạo không chỉ là thái độ ứng xử với nhân viên, đối tác, mà quan trọng nhất là giữ được sự bình tĩnh, gặp khủng hoảng tâm không loạn. Càng bình tĩnh thì càng sáng suốt, đưa ra được những quyết định chính xác.

Đưa ra một quyết định trong khi nóng giận hay quá vui sướng là chưa quản trị được cảm xúc.

Chúc cháu thành công trong quản trị cảm xúc nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *