Sẽ rất vất vả và mất nhiều thời gian cho CPTPP

Trần Quí Thanh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong buổi họp báo chung về quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh minh họa: Dân trí

 —–

Chào chú Dr. Thanh!

Theo dõi blog của chú, cháu thấy chú rất quan tâm tới Apec 2017 vừa diễn ra ở Đà Nẵng, vì vậy cháu mạnh dạn viết thư hỏi chú một chuyện.

Thưa chú TPP và CPTPP khác nhau điểm nào, vì sao phải chuyển đổi từ TPP sang CPTPP và có gì đổi mới ở CPTPP?

Rất mong chú trả lời.

Cảm ơn chú!

Lê Hồ Hoa ( Đà Nẵng): hoa_leho1980@gmail.com


Cháu Lê Hồ Hoa mến!

Cháu còn trẻ mà quan tâm đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP chứng tỏ cũng có tư duy kinh tế – chính trị đó nha. Thế giới bàn chuyện làm ăn, nhưng trong đó còn liên quan đến địa chính trị, không chỉ đơn giản là làm ăn phải không cháu? Chính vì vậy nên mới có sự thay đổi từ thời ông Obama đến ông Trump trong quan điểm về TPP chứ.

Khác trước nhất là TPP có 12 nước tham gia, nay Mỹ rút thì còn 11, nhưng vậy là khác về số lượng thành viên.

Nếu là một nước nhỏ rút khỏi TPP thì cục diện cũng không thay đổi nhiều, nhưng Mỹ là cường quốc, là nền kinh tế số 1 thế giới, cho nên không có Mỹ trong TPP thì quy mô bị thay đổi. Có Mỹ, Hiệp định TPP chiếm 40% GDP, 30% thương mại toàn cầu và có 800 triệu dân. Mỹ rút, quy mô giảm xuống 15% GDP, 15% tổng thương mại toàn cầu và 500 triệu dân.

Sự thay đổi đó cho thấy uy lực của nền kinh tế Mỹ, bắt buộc 11 nước còn lại phải ngồi với nhau để bàn một hiệp định mới và CPTPP ra đời – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nội dung của Hiệp định CPTPP không thay đổi so với TPP, cũng gồm các chương về thương mại, thuế quan, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường. Ngoài ra, CPTPP còn thêm hai phụ lục.

Và cháu biết đấy, khi thành viên có sức ảnh hưởng nhất là Mỹ rút khỏi TPP thì có nhiều thay đổi, vì vậy phụ lục thứ nhất của CPTPP là danh mục 20 nghĩa vụ tạm hoãn thực thi của TPP và 4 nội dung cần đàm phán lại. Phụ lục thứ hai là về 7 điều liên quan đến những điểm kỹ thuật của Hiệp định mới.

Nỗ lực của các bộ trưởng thuộc các quốc gia thành viên còn lại của TPP nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để các nước trong hiệp định phát triển thương mại và hợp tác kinh tế. Cuộc họp tại APEC 2017 đã ghi dấu cho sự thành công bước đầu.

Tuy nhiên, sẽ còn rất vất vả và mất nhiều thời gian để đàm phán để đi đến sự thống nhất của các bên, trên cơ sở các quốc gia thành viên phải cân bằng lợi ích và tôn trọng lẫn nhau.

Chú nghĩ, chúng ta sẽ còn chờ hơi bị lâu để đón nhận CPTPP vào thục tế.

Chúc cháu vui vẻ, có gì cứ meo cho chú nhé.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tui: tranquithanh1953@gmail.com)

 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *