Sớm kết thúc ‘thử nghiệm’ để không phải mua bán Molnupiravir bất hợp pháp

Hồng Văn/ Báo TBKTSG

Nguồn hình: Báo Sức khoẻ & Đời sống

—–

Hôm trước, tui mới đọc bài viết trên laodong.vn: “Người dân đổ xô tìm mua, giá thuốc phòng và điều trị COVID-19 nhảy múa”. Đọc xong phát hoảng, vì trên thị trường có quá nhiều loại thuốc điều trị COVID-19, người dân cứ lao vào mua để chữa bệnh hoặc phòng khi hữu sự.

Có những loại thuốc chưa được Bộ Y tế công nhận nên không có trong danh mục thuốc điều trị COVID-19.

Đừng trách dân, vì họ lo sợ bị nhiễm bệnh không có thuốc chữa nên phải chạy trước. Dân lo cũng phải, vì hãy nghe lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến 63 tỉnh thành về công tác phòng chống dịch COVID-19 ngày 16.12:

“Tôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh, kể cả của anh em y tế bên dưới và anh em báo chí, thực tế nhiều nơi người bị nhiễm vẫn không được phát thuốc kháng virus và nhiều người phải nhờ vả, thậm chí tìm mọi cách để mua”.

Vậy thì, ở đây có vấn đề về cấp phát thuốc cho bệnh nhân COVID-19, và sự mất cân đối cung cầu về thuốc kháng virus SARS-CoV-2. Thuốc thiếu tất nhiên không phải lỗi tại dân.

Chuyện thuốc men, vật tư y tế, kit test Covid-19 đã có nhiều tranh cãi, và sự thật về kit test vừa được phơi bày ra ánh sáng. Hy vọng là hoạt động cung cấp thuốc men không như cung cấp kit xét nghiệm.

Muốn vậy thì phải sản xuất hoặc nhập khẩu, nhưng minh bạch thông tin và giá cả được kiểm soát, cung cấp đầy đủ theo nhu cầu của thị trường.

Đừng mập mờ không rõ trắng đen, đừng lobby gài sân sau sân trước.

Đừng mưu toan lợi ích cá nhân hay nhóm lợi ích, khi đất nước đang cần niềm tin và các nguồn lực để vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế.

Trần Quí Thanh

—–

Công an TPHCM đã phối hợp ngành y tế truy lùng các trường hợp rao bán thuốc kháng virus Molnupiravir bất hợp pháp trên mạng. Ngành y tế khẳng định thuốc này đang thử nghiệm trong khi bên ngoài thị trường lại đang mua bán, giá có thể từ 3-10 triệu đồng/hộp trước nhu cầu từ “hội chứng gói thuốc C”.

“Hội chứng gói thuốc C” là một thực tế khi F0 điều trị tại nhà ai cũng muốn có nó vì hy vọng trong gói thuốc C có Molnupiravir. Thuốc này được Bộ Y tế triển khai trong “Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà”.

TPHCM là địa phương đầu tiên thí điểm dùng thuốc này từ tháng 8-2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 22 địa phương có dịch trong toàn quốc. Có nghĩa nó vẫn là thuốc đang thử nghiệm, chưa buôn bán rộng rãi trên thị trường dược phẩm.

Cho đến nay, TPHCM được phân bổ đợt đầu 100.000 liều thuốc Molnupiravir và mới nhận thêm vào đầu tháng 12 này chừng 25.000 liều và nó trở thành thuốc đứng đầu danh sách thuốc điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Các trường hợp “hội chứng F0” khiếu nại, đòi bằng được Molnupiravir xuất phát từ thực tế điều trị hiệu quả của nó.

Khi báo chí đăng thông tin Molnupiravir được rao bán trên mạng xã hội, người dân nghĩ ngay tới chính nhân viên y tế là nguồn tuồn ra ngoài với nhiều phỏng đoán nào là nhân viên y tế cấp phường, quận phát túi thuốc cho F0 không có Molnupiravir nhưng quyết toán lên trên thì có, còn dư mang ra ngoài… Và vì vậy mà cơ quan công an cũng không ít lần cùng ngành y tế kiểm tra kho chứa thuốc dùng cho F0 của một số cơ sở y tế quận, huyện.

Thậm chí có nhân viên y tế sợ F0 tuồn Molnupiravir ra ngoài nên yêu cầu F0 uống thuốc từng viên, phải chụp hình vỏ thuốc sau khi uống gửi Zalo cho cơ sở y tế phường.

Đâu chỉ F0 tại nhà cần thuốc này, lắm người săn lùng mua với suy nghĩ trữ trong nhà cho chắc ăn nếu gia đình lỡ có ai trở thành F0. Nguồn cầu quá cao nảy sinh chuyện buôn bán bất hợp pháp là đương nhiên.

Nhưng chuyện kiểm soát F0 dùng thuốc, kiểm tra kho thuốc của trung tâm y tế, trạm y tế, hay truy tìm những người rao bán trên mạng xã hội chỉ là cái ngọn của vấn đề.

Đó là tại sao thuốc thí điểm, thử nghiệm nhưng tại TPHCM đã có hơn 100.000 liều cấp phát cho F0, tiếp đến Bộ Y tế thấy hiệu quả áp dụng cho các tỉnh khác và kéo dài nhiều tháng qua nhưng vẫn còn cái vòng kim cô là “thử nghiệm”?

Một tài liệu của Bộ Y tế mới đây khi đánh giá chương trình thử nghiệm này cho rằng thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lê bệnh nhân có kết quả RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Kết quả tốt như vậy nhưng tại sao Bộ Y tế không mạnh dạn cấp phép cho thuốc lưu hành, viêc buôn bán, nhập khẩu tuân thủ các quy định như các thuốc khác trên thị trường mà vẫn là thử nghiệm?

Một cán bộ y tế không muốn nêu tên cho rằng rất có thể Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài. “Các nước như Mỹ, Ấn Độ… họ đang thử nghiệm thì ta cũng phải thử nghiệm chứ không dám làm khác”. Vậy không lẽ trình độ đánh giá thuốc của ta kém tới mức phải phụ thuộc vào nước ngoài chăng, hay còn lý do nào khác?

Chừng nào còn “thử nghiệm” thì tình trạng tuồn thuốc, buôn bán bất hợp pháp Molnupiravir vẫn còn tiếp diễn.

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Sớm kết thúc…

https://thesaigontimes.vn/som-ket-thuc-thu-nghiem-de-khong-phai-mua-ban-molnupiravir-bat-hop-phap/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *