“Sóng” trên cộng đồng mạng

Lê Hải Đăng/ Báo TBKTSG


—-

Với tính kết nối trên mạng Internet, cộng đồng mạng có thể tạo nên những hiện tượng văn hóa, xã hội. Họ có thể tạo sóng dư luận, và hiện nay không thiếu những sự kiện khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Sóng trên mạng cũng giống như sóng trên biển, hình thành từ vô số con sóng nhỏ âm thầm xô nhau cho đến lúc ào ạt tiến vào bờ. Sóng là hiện tượng bình thường. Nhờ sóng dư luận mà nhiều vấn đề xã hội được giải quyết kịp thời. Nhưng cũng lắm khi, sóng kết hợp với cơn địa chấn tạo nên sóng thần cuồng nộ, có sức phá hủy. Sóng dư luận trên mạng cũng vậy.

Xét về phương diện tư tưởng, phần lớn suy nghĩ của con người hình thành bởi tư duy lấy bản thân hoặc xã hội làm trung tâm. Khi lấy bản thân làm trung tâm, suy nghĩ cá nhân khó tránh khỏi chủ quan, hạn hẹp, suy diễn một chiều. Còn khi lấy xã hội làm trung tâm thì cũng rất dễ dẫn tới định kiến, a dua theo đám đông. Cả hai cách tư duy đều thể hiện các mức độ khiếm khuyết và thiếu nền tảng vững chắc để chống đỡ cho nhận xét, đánh giá của mình. Người có kỹ năng phản biện sẽ biết vận dụng kỷ luật của trí tuệ để vượt qua chướng ngại của tư duy. Khi cộng đồng mạng gồm những cư dân phần lớn chưa được trang bị tốt tư duy phản biện, họ sẵn sàng lấy bản thân hoặc xã hội làm trung tâm và chĩa mũi nhọn phê phán các hiện tượng xã hội. Kết quả là, “sóng mạng” phơi bày dưới hai dạng ý kiến trái chiều: một phía phản đối, một phía đồng thuận.

Gần đây, cộng đồng mạng lại dậy sóng vì mấy bức ảnh nude của đôi bạn trẻ chụp ở Đà Lạt. Nhiều lời bình phẩm mơ hồ, cảm tính nhận được sự đồng thuận của số đông, đến nỗi chính quyền cũng phải vào cuộc. Nếu coi sóng trên mạng xã hội như một dạng văn bản, nó cung cấp nhiều nội dung phong phú phản ánh tình hình văn hóa, giáo dục, tâm lý cộng đồng… Nhưng nếu coi sóng trên mạng như một căn cứ để tìm kiếm giải pháp, thậm chí trở thành câu chuyện nơi nghị trường, rất có thể sẽ dẫn đến quyết định sai lầm. Thực tế cho thấy nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn quan chức Chính phủ những chuyện lấy nguồn từ dư luận xã hội. Lẽ ra, những nội dung, những vấn đề bàn thảo trong nghị trường phải từ thông tin đã qua xử lý, xuất phát từ ý kiến chuyên gia, chứ không thể sử dụng “nguyên liệu thô” hay theo dư luận.

Trên đường hướng tìm kiếm các giải pháp, người có tư duy phản biện sẽ tiếp cận vấn đề từ góc nhìn bản chất chứ không suy xét cảm tính hay do “hội chứng đám đông”. Như trên đã nói, khi sóng kết hợp với cơn địa chấn, nó có khả năng biến thành sóng thần. Địa chấn lại hình thành bởi sự thay đổi kết cấu địa chất. Và kết cấu ở đây nằm chính trong tòa thành giáo dục. Nếu tư duy phản biện chưa được giảng dạy tốt trong môi trường giáo dục, sản phẩm của nó là học sinh sinh viên (kể cả chặng đường sau này của họ) khi trở thành cư dân mạng xã hội sẽ tác động trực tiếp vào xã hội từ tư duy lấy bản thân hoặc xã hội làm trung tâm. Như vậy, sóng trên cộng đồng mạng chính là hệ quả của cơn rung lắc trên địa tầng giáo dục. Kết cấu địa tầng lỏng lẻo dẫn đến hiện tượng xô vẹo, chênh vênh, gây nên những cơn địa chấn mà sóng của nó sẽ đánh dồn dập trên mạng.

Bên cạnh đó phải kể đến tư duy “nhị nguyên cổ tích” được hun đúc từ bối cảnh văn hóa lẫn giáo dục cơ sở. Có thể dễ dàng nhìn thấy một mô-típ quen thuộc trong các truyện cổ tích, ở đó nhân vật được phân tuyến theo hai cực đối lập: chính – tà, trắng – đen, thiện – ác, đẹp – xấu… Công chúa thì lúc nào cũng nết na, xinh đẹp, tốt bụng; mụ phù thủy thì chắc chắn độc ác, xấu xa, nham hiểm… Từ nhà trường bước vào xã hội, tư duy nhị nguyên cổ tích tiếp tục phát huy tác dụng, thêm chiều kích tạo sóng dư luận trên mạng xã hội. Theo đó, xã hội phân chia thành hai tuyến nhân vật khuôn mẫu tượng trưng cho thiện và ác. Người ta có khuynh hướng tô hồng, xức nước hoa cho những ai được đánh giá (chủ quan) là ở phía chính diện; “ném đá”, bôi nhọ những “nhân vật” bị cho là phản diện. Hậu quả là các hiện tượng ồn ào trên mạng luôn chập chờn, ám ảnh.

Cần nhớ với sức mạnh của mình, sóng trên cộng đồng mạng có thể gây ra các trận lụt thông tin và không ngừng vỗ đập vào bờ cuộc sống. 

 

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: “Sóng” trên cộng đồng mạng

(https://www.thesaigontimes.vn/292774/song-tren-cong-dong-mang.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *