Cơ chế nào tuyển người xây dựng dự Luật Đất đai sửa đổi

Lê Quỳnh/ Báo Người Đô Thị


—–

Cần xem pháp luật là cơ sở hạ tầng về thể chế và nó thuộc sở hữu của nhân dân. Dự án Luật Đất đai là một công trình lớn về pháp luật, giá thành xây dựng luật có thể không lớn như một dự án đầu tư, nhưng tác động vật chất của nó lại vô cùng lớn đến tài sản quốc gia và nền kinh tế.

Theo Quyết định số 2080/QĐ-BTNMT do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà ký ngày 14.8.2019, nhóm chuyên gia được thành lập đồng thời với Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cho việc xây dựng dự Luật Đất đai sửa đổi.

Trao đổi với phóng viên Người Đô Thị, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết hoạt động của nhóm chuyên gia theo Quyết định 2080/QĐ-BTNMT không khác với tính chất của các buổi tham vấn ý kiến chuyên gia theo chủ đề sẽ được tổ chức vào thời điểm sau khi xây dựng xong dự Luật Đất đai sửa đổi.

Tuy nhiên, lần này Bộ Tài nguyên và môi trường mong muốn lắng nghe ý kiến của các tầng lớp xã hội ngay trong quá trình soạn thảo dự Luật, làm sao để luật phù hợp thực tiễn cuộc sống hơn nên đã thành lập thêm nhóm chuyên gia.

Còn về nguyên tắc, không có nhóm chuyên gia; khi xây dựng dự thảo luật, chỉ có hai ban là Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập (giúp việc cho Ban Soạn thảo). Trong quá trình soạn thảo, có thể lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các hiệp hội đại diện các doanh nghiệp,… nhưng thông qua các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến.

Khu đô thị Thủ Thiêm ở TP.HCM là một trong những điển hình về sai phạm trong thu hồi, bồi thường đất ở TP.HCM. Trong ảnh: Một cử tri quận 2 (bên phải) phản ánh bức xúc với Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tại cuộc tiếp xúc cử tri Quận 2 của Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều ngày 9.5.2018. Ảnh: Trung Dũng

Nhận định về việc thành lập nhóm Chuyên gia theo Quyết định trên, trao đổi với phóng viên Người Đô Thị, nhiều luật sư cho biết: thực tiễn thông thường, việc mời chuyên gia xây dựng dự luật theo tùy từng việc, từng chuyên đề, là thỏa thuận dân sự, còn ở đây thấy rằng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ định bằng một quyết định hành chính. Như vậy, việc mời chuyên gia tham gia trong trường hợp này là một cơ cấu cứng với cả người thường trực phụ trách, như Quyết định 2080/QĐ-BTNMT.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu thành viên Ban soạn thảo phải là các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực có liên quan. Nhưng trên thực tế hiện nay, hầu hết các Ban soạn thảo chỉ bao gồm thành viên là quan chức các bộ ngành, tức họ là người nắm giữ các chức vụ quản lý nhà nước hơn là các chuyên gia. Đặc biệt, họ thường rất bận công việc quản lý, do đó hiếm có thời gian thực tế cho công việc soạn thảo luật.

Vì thế, các Ban soạn thảo thường chỉ định ra một Tổ biên tập, là chuyên viên các Bộ ngành, hoặc các chuyên gia thực sự để giúp mọi công việc có tính kỹ thuật cho Ban soạn thảo.

Chính sách đất đai có tác động đến toàn dân; trong đó, thực tế cho thấy người dân bị thu hồi đất là đối tượng chịu sự tác động lớn nhất từ Luật Đất đai. Nhưng tiếng nói và quyền lợi của họ trong thực tế vẫn chưa được thực hiện công bằng. 

Qua kinh nghiệm thực tiễn, là một luật sư và nhà nghiên cứu về pháp luật, ông Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã nhận định: “Dù người dân luôn luôn được tạo nhiều cơ hội để tham gia góp ý kiến cho một dự thảo luật khi được công bố, nhưng những ý kiến định hình chính sách và hành văn pháp lý ban đầu vẫn luôn luôn đóng vai trò quan trọng nhất, và nó thường ít được thay đổi dù có quá trình góp ý sau đó”.

Điều quan trọng là cần xem pháp luật là cơ sở hạ tầng về thể chế và nó thuộc sở hữu của nhân dân. Dự án Luật Đất đai là một công trình lớn về pháp luật, giá thành xây dựng luật có thể không lớn như một dự án đầu tư, nhưng tác động vật chất của nó lại vô cùng lớn đến tài sản quốc gia và nền kinh tế.

Vậy câu hỏi được đặt ra là: cơ chế tuyển người xây “công trình” có ý nghĩa lớn này như thế nào? Có cơ chế nào để những người có năng lực, tâm huyết đăng ký? Và việc tuyển chọn chuyên gia nên công khai hoá, hay theo cách “chỉ định thầu”?

NGUỒN:  Theo Báo Người Đô Thị online

Link bài: Cơ chế nào tuyển người…

(https://nguoidothi.net.vn/co-che-nao-tuyen-nguoi-xay-dung-du-luat-dat-dai-sua-doi-20145.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *