Tân Hiệp Phát bình chân như vại

Đức Tài/  Báo Nhịp cầu đầu tư
Đối mặt với không ít sóng gió từ người tiêu dùng và cả áp lực cạnh tranh nhưng Tân Hiệp Phát vẫn đang ăn nên làm ra.
 

“Đối thủ” URC nhắc đến là ai?

Một báo cáo của URC công bố cho cổ đông mới đây cho thấy: Thời điểm cuối năm 2016, một công ty đối thủ của URC chiếm 37,4% thị phần, còn URC cũng chiếm vị trí liền kề là 35%. Nhưng đến nửa đầu năm 2017, trong khi công ty đối thủ chiếm hẳn 48% thị phần, thì URC không những không tăng lên mà còn tụt dốc chỉ còn 22%. Sẽ khó tin nếu như đây không phải là những con số do chính URC đưa ra. Cần nhớ lại, tháng 4.2006, URC bước vào thị trường Việt Nam, mang theo sản phẩm chủ lực là trà xanh C2. Phân khúc trà xanh khi đó nằm chủ yếu trong tay Tân Hiệp Phát (chiếm 60% thị trường). Sau sự cố “vụ án con ruồi” của Tân Hiệp Phát, URC là cái tên được cho rằng sẽ hưởng lợi nhất khi luôn là đối thủ so kè với Tân Hiệp Phát.

Vấn đề “đối thủ” mà URC nhắc đến là ai? Dựa trên số liệu và phân tích thị trường, thì đây nhiều khả năng là Tân Hiệp Phát. Trước hết, thực tế cho thấy Tân Hiệp Phát là một doanh nghiệp giải khát nội địa với doanh thu xấp xỉ 10.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp gia đình này từng đặt mục tiêu doanh thu đạt 1 tỉ USD trong năm 2023 và 3 tỉ USD trong 10 năm tới.

Con số này dựa trên cơ sở Tân Hiệp Phát đang sở hữu nguồn lao động lên đến 10.000 người và đã đưa vào hoạt động nhà máy Number One Hà Nam (tháng 8.2014), nhà máy Number One Chu Lai (tháng 4.2017) và chuẩn bị đưa vào hoạt động nhà máy Number One Hậu Giang (năm 2018). Đến nay, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp đầu tư mạnh để sở hữu tới 10 dây chuyền chiết lạnh vô trùng Aseptic với tổng trị giá 300 triệu USD. Độ phủ các kênh bán lẻ của công ty này được đặt mục tiêu duy trì 98%.

Một năm về trước, công ty này từng cho biết đang giữ vị trí thứ 2 trong ngành nước giải khát không gas khi so sánh với các đối thủ nước ngoài như Coca-Cola, Suntory Pepsi.

“Chúng tôi muốn trở thành một công ty tỉ đô trong 5 năm tới và bước ra sân chơi châu Á, đồng thời đặt mục tiêu doanh thu chạm mốc 3 tỉ USD vào năm 2027”, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cho biết. Tại thị trường nước ngoài, Tân Hiệp Phát có vẻ thuận lợi hơn khi cho biết đã có được thị trường 20 nước, đồng thời chuẩn bị tấn công thị trường châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ…

Vài năm qua, không ít thông tin cho rằng Tân Hiệp Phát đang tìm cách bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) từng đăng tải thông tin Tân Hiệp Phát đánh tiếng tìm nhà đầu tư với mức định giá 2 tỉ USD. Đại diện của Tân Hiệp Phát cũng từng khẳng định về chuyện một ngày nào đó sẽ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp gia đình sang doanh nghiệp cổ phần. “Trong thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp đặt vấn đề hợp tác với chúng tôi. Nhưng không một ai trong số họ đưa ra được lộ trình và chiến lược đi đúng với tiêu chí của Công ty đề ra nên chúng tôi đã từ chối”, bà Uyên Phương cho biết.

Ở đây cần phân tích, với mục tiêu đặt ra trong 10 năm tới chạm mốc doanh thu 3 tỉ USD thì nếu một vụ M&A diễn ra, giá chào bán khởi điểm của Tân Hiệp Phát cũng sẽ tương đương 3 tỉ USD.

Ẩn số doanh thu

Vốn là một doanh nghiệp gia đình nên những con số về doanh thu và lợi nhuận của Tân Hiệp Phát luôn là ẩn số. Lấy mốc doanh thu năm 2014 là 10.000 tỉ đồng, với tỉ lệ tăng trưởng khoảng 25%, có thể thấy năm 2016, doanh thu của Tân Hiệp Phát đạt khoảng 13.125 tỉ đồng và doanh thu ước đạt đến cuối năm 2017 có thể đạt gần 16.500 tỉ đồng.

Theo kết quả khảo sát của Euromonitor năm 2016, mặc dù có mức tăng trưởng dương nhưng sản phẩm trà đóng chai uống liền RTD (Ready to drink) có xu hướng chậm lại do 2 thương hiệu lớn trên thị trường là URC và Tân Hiệp Phát đều đối mặt với khủng hoảng truyền thông, bị người tiêu dùng tẩy chay. Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát dẫn đầu thị trường này với 31% thị phần nhờ vào 2 sản phẩm chủ lực là Trà Xanh không độ và trà Dr. Thanh.

Cũng theo nghiên cứu của Euromonitor, khoảng 4,6 tỉ lít nước uống có gas được bán hằng năm tại Việt Nam, chỉ bằng 20% con số tương tự tại Nhật.Doanh số ở thị trường châu Á của Suntory trong năm tài chính kết thúc vào cuối năm 2016 đạt 164,3 tỉ yen, chiếm hơn 10% tổng doanh thu. Doanh số của thị trường Việt Nam hiện chiếm 40% trong số này.

Như vậy, mặc dù tưởng chừng chao đảo vì khủng hoảng truyền thông sau “vụ án con ruồi”, Tân Hiệp Phát vẫn là một doanh nghiệp tăng trưởng trong thị trường nước giải khát ở thời điểm hiện tại. Về con số, bà Phương cho biết: “Tân Hiệp Phát tiếp tục củng cố vị trí thứ 2 trên thị trường và dẫn đầu ngành trong phân khúc nước giải khát không gas có nguồn gốc tự nhiên. Doanh thu năm 2017 có sự tăng trưởng đáng kể với tốc độ từ 20-30%”.

Như vậy, mặc dù bị dư luận hô hào tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát nhưng có thể thấy những dây chuyền sản xuất của công ty này vẫn hoạt động bình thường. Những ngôi sao showbiz như ca sĩ Phi Nhung, Sơn Tùng MTP… vẫn xuất hiện trong các hoạt động quảng bá thương hiệu của Tân Hiệp Phát.

Bên cạnh đó, Tân Hiệp Phát vẫn là nhà tài trợ hào phóng cho nhiều chương trình, đặc biệt là ở nông thôn. Vì vậy, một chuyên gia truyền thông giải thích, tại các thị trường chủ lực ở nông thôn, nơi người tiêu dùng ít tiếp cận với truyền thông, các sản phẩm Tân Hiệp Phát đang đứng ngoài khủng hoảng của “vụ án con ruồi”.

Công ty BMI dự báo doanh thu bán hàng nước giải khát nói chung tại Việt Nam sẽ tăng với tốc độ trung bình khoảng 14,2% và đạt khoảng 136.000 tỉ đồng trong năm nay. Trong đó, lượng tiêu thụ nước giải khát không cồn tại Việt Nam sẽ tăng lên 2,7 tỉ lít và tương ứng với tốc độ tăng trưởng trung bình là 7%.

Thị trường này đang thu hút hơn 1.800 cơ sở sản xuất lớn nhỏ và đang được dẫn dắt bởi 4 tên tuổi lớn đầu ngành là Suntory Pepsi, Tân Hiệp Phát, Coca-Cola và URC. Với những cảnh báo của URC mới đây, Tân Hiệp Phát vẫn là đối thủ đáng gờm, bất chấp sóng gió đã từng nổi lên.

 

Nguồn: Theo Báo Nhịp cầu đầu tư
 
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *