Tinh giảm bộ máy trước, cải cách tiền lương theo sau

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Chào anh Trần Quí Thanh

Tôi thua anh ba tuổi, coi như cùng thế hệ. Trước tôi là một giám đốc DNNN nay nghỉ hưu. Tuy vậy tôi cũng vẫn còn quan tâm nhiều vấn đề kinh tế của đất nước (kinh tế thôi chứ chính trị chính em nhức đầu lắm, phải không anh?).

Có đứa cháu bày cho cách vào blog của anh, đọc rất hấp dẫn, nhiều vấn đề rất hay. Anh già rồi mà công nghệ IT sành điệu như tuổi teen, phục lắm.

Có vấn đề này muốn trao đổi với anh, đó là cải cách tiền lương. Tui nhớ từ năm 1980 đến giờ có đến chục lần hô hào cải cách tiền lương, rồi lại đâu vào đấy. Toàn cải cách nửa vời. Theo anh lý do chính là gì?

Nếu anh rảnh thì trao đổi, còn bận thì thôi, nha anh.

Chúc anh vui khoẻ

Lê Văn Lâm (Vinh): lamvinh_xunghe@gmail.com

—–

Anh Lê Văn Lâm mến!

Khi nói đến cải cách tiền lương là nói đến khu vực nhà nước, cụ thể là tiền lương cho công chức làm việc trong bộ máy của chính quyền và các cơ quan Đảng, đoàn thể.

Việc đặt ra cải cách tiền lương, hay nói cụ thể hơn là tăng lương cho 2,8 triệu công chức, không phải một lần mà đã nhiều lần nhưng vẫn rơi vào thế bí. Mỗi lần cải cách đều có tăng lương, nhưng số tiền chênh lệch đó vô nghĩa. Nói vô nghĩa bởi vì, một là nó quá nhỏ so với nhu cầu tăng lương phù hợp với nhu cầu thực tế, hai là nó chỉ vừa đủ để bù vào lạm phát. Lương tăng vài chục ngàn đồng một tháng thì thay đổi được gì cuộc sống phải không anh?

Nhưng muốn tăng lương gấp đôi thì lấy tiền đâu ra, chiếc bánh ngân sách chỉ bấy nhiêu, thì chia kiểu gì cũng chỉ mỗi người thêm một tí.

Tui đã có lần đưa ra thống kê của các nhà chuyên môn, tổng dân số Mỹ gần 350 triệu, Việt Nam 90 triệu dân. Về dân số Việt Nam gần bằng ¼ Mỹ, nhưng Mỹ có 2,1 triệu công chức, còn Việt Nam 2,8 triệu công chức. Nếu theo tỉ lệ công chức trên đầu dân của Mỹ, thì Việt Nam chỉ cần 500.000 công chức. Công chức đông như vậy thì tiền đâu mà trả cho nổi phải không anh.

Mới đây, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam) đưa ra công bố 9 người dân nuôi 1 cán bộ, có nghĩa là ngoài công chức, còn có nhiều loại cán bộ khác hưởng lương từ ngân sách, cho nên con số 2,8 triệu công chức cũng chỉ mới tính số lương công chức mà thôi. Tuy công bố của TS Phạm Duy Nghĩa còn nhiều tranh cãi, nhưng cho dù có xê xích đôi chút về số liệu, cũng không thay đổi được thưc tế là bộ máy của chúng ta quá cồng kềnh.

Cho nên, muốn cải cách tiền lương thực sự có tác động đến đời sống của người hưởng lương ngân sách, thì phải tinh giảm bộ máy xuống ít nhất là còn một nửa. Chưa kể, nếu có hệ thống hành chính đẳng cấp như Mỹ, thì tinh giảm được 2,3 triệu công chức.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Nếu tất cả các bộ ngành Trung ương, chính quyền các địa phương vận hành được chính quyền điện tử, thì sẽ tinh giảm được bộ máy hành chính.

Sáp nhập các bộ ngành, cắt giảm các cơ quan trong các bộ ngành, cũng là biện pháp giảm biên chế. Sáp nhập một số địa phương, huyện, xã, sẽ giảm được nhân sự và nâng cao hiệu quả quản lý. Làm quyết liệt, làm ngay thì chỉ còn dưới 1,5 triệu công chức.

Tinh giảm bộ máy trước, cải cách tiền lương theo sau. Nếu không thì cải cách tiền lương không có ý nghĩa.

Vậy nha anh. Chúc anh mạnh giỏi.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *