Tính khách quan của nhóm tư vấn sẽ ngăn chặn nhóm lợi ích

 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế (ảnh Q.H)- Theo báo Tiền Phong.

 
Anh Thanh mến
 
Cảm ơn anh đã trả lời câu hỏi của tôi. Thú thực cứ tưởng anh trả lời qua quit, ai ngờ anh viết hẳn một bài. Rất kính trọng. Kỳ này muốn được biết ý kiến của anh qua việc thành lập tổ tư vấn kinh tế. Lịch lợi của nó thì đã rõ, qua việc này dân cũng tin Thủ tướng và chính phủ hơn. Điều tôi băn khoăn là liệu tổ tư vấn có ngăn chặn được lợi ich nhóm không?
 
Thân mến,
 
Lê Hân Hoan (Singapore): lehanhoan_1953@gmail.com
 

—–
 
Chào anh Hân Hoan,
 
Rất vui gặp lại anh. Những vấn đề anh quan tâm tui cũng quan tâm. Cùng nhau bàn bạc để sáng tỏ một vấn đề là rất hay anh ạ.
 
Về câu hỏi của anh, tui nghĩ thủ tướng đứng đầu cơ quan hành pháp của quốc gia luôn cần đến một cơ quan độc lập, ngoài các bộ ngành, vụ viện của Chính phủ tham gia ý kiến vào việc hoạch định và thực thi chính sách, đó là việc cần thiết.
 
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như một “Think tank”, là những bộ óc có trí tuệ, là những người có tinh thần trách nhiệm, có kinh nghiệm hoạt động và nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế và đặc biệt là tham gia đóng góp ý kiến một cách khách quan, không bị tác động bởi lợi ích như các cơ quan hoạch định chính sách. Về căn bản là như vậy, còn hiệu quả thực tế tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, chúng ta hãy chờ thời gian trả lời.
 
Nhóm tư vấn hoạt động độc lập, có thể góp ý xây dựng chính sách và phản biện chính sách. Ví dụ khi một cơ quan của chính phủ trình một dự thảo nghị định, thông tư, nhóm nghiên cứu có thể góp ý, điều này phù hợp, điều khác không phù hợp, giải thích lý do vì sao. Trên thực tế có nhiều quy định ban hành đã không phù hợp, thậm chí xung đột với các quy định pháp luật khác.
 
Thường thì các nghị định được các bộ, ngành soạn thảo, trong đó có những quy định đưa ra nhằm tăng quyền lực cho cơ quan mình. Dĩ nhiên có quyền thì có lợi, và các quy định đó không hoàn toàn vì quyền lợi chung mà vì quyền lợi của cơ quan ban hành chính sách nhiều hơn.
 
Trước những quy định như vậy, nhóm tư vấn có thể phát hiện, phân tích và tư vấn cho Thủ tướng, sau đó Thủ tướng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
 
Thêm một bộ phận giúp việc như vậy, chắc chắn sẽ tốt hơn cho những quyết định của Thủ tướng. Đây cũng là biện pháp ngăn chặn phát sinh những điều kiện kinh doanh mà cộng đồng doanh nghiệp đang kêu trời.
 
Còn một việc khác, trước những biến động của kinh tế trong nước cũng như thế giới, tổ tư vấn nắm bắt, xử lý thông tin và đưa ra ý kiến giúp Thủ tướng ứng phó để được kết quả tốt đẹp nhất, tránh rủi ro hay thiệt hại có thể xảy ra.
 
Các bộ, ngành hoạch định chiến lược kinh tế dài hạn, trong quá trình xây dựng, nếu có ý kiến đóng góp của tổ tư vấn kinh tế, chắc chắn sẽ có chất lượng cao hơn.
 
Tổ tư vấn góp ý xây dựng hay bãi bỏ một quy định, thì việc đó không liên quan đến họ vì họ không phải là cơ quan quản lý điều hành trực tiếp, cho nên tính khách quan rất cao.
 
Khi đưa ra ý kiến không xuất phát từ động cơ lợi ích của một nhóm hay một cá nhân thì tất nhiên sẽ ngăn chặn được mọi ý đồ của lợi ích nhóm.
 
Vậy nhé anh, hẹn gặp lại anh trong đề tài khác.
 
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)
 
 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *