Top ảnh đoạt giải hiện tượng thiên nhiên đẹp nhất 2019

Quốc Anh theo The Guardian/ Báo Khám phá

Hội Hoàng gia Anh vừa công bố những bức ảnh chụp hiện tượng khoa học đẹp nhất năm qua, giúp công chúng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của khoa học thay vì những con số khô khan.

Hiện tượng khoa học là một điều gì đó rất khó tiếp cận đối với phần lớn mọi người, chúng chỉ đẹp trong mắt các nhà khoa học thông qua số liệu tính toán khó nhằn. Thế nhưng, Hội Hoàng gia Anh với cuộc thi nhiếp ảnh khoa học đã thay đổi điều này.

Cuộc thi thường niên này được tổ chức nhằm tìm kiếm những nhiếp ảnh gia có thể khai thác được môn khoa học khô khan qua góc nhìn nghệ thuật. Mỗi năm có hàng ngàn tác phẩm được gửi về từ khắp nơi trên thế giới, hội đồng sẽ chọn ra những bức ảnh xuất sắc nhất để trao giải.

Chiến thắng chung cuộc và cũng là chiến thắng hạng mục Ảnh chụp vật thể siêu nhỏ: Các giọt lượng tử bởi Aleks Labuda. Tác giả giải thích: “Bức ảnh này là bằng chứng mô phỏng thực nghiệm cho một lý thuyết trong lĩnh vực lượng tử thủy động lực học. Trong ảnh, những giọt dầu silicon đang tung nảy vô hạn trên hồ chứa dầu lớn với rung động ở tần số 15 Hz.

Các sóng bề mặt khiến những giọt dầu tung nảy tương tự như sóng cơ lượng tử tạo động lực học của các hạt trong vật lý lượng tử. Trong khi đó, chính các giọt dầu chuyển động tượng trưng cho các hạt lượng tử, chúng chuyển động theo đúng như sóng lượng tử.”

Chiến thắng hạng mục Sinh thái học và Môi trường: Đối mặt với sắc trắng bởi Morgan Bennett-Smith. Trong bức ảnh này, một chú cá hề biển (Amphiprion bicinctus) chưa trưởng thành dường như đang mê mẩn bởi xúc tu của những con hải quỳ trắng tại vùng biển Thuwal, Ả Rập Saudi.

Nhưng loài hải quỳ này không có màu trắng tự nhiên như thế. Vùng biển này đang trải qua sự kiện tẩy trắng san hô do nhiệt độ nước biển tăng cao. San hô và hải quỳ không còn cộng sinh với các loài tảo, khiến chúng mất đi vẻ ngoài sặc sỡ của mình và gia tăng nguy cơ bị chết.

Chiến thắng hạng mục Thiên văn học: Quầng Mặt Trăng bởi Mikhail Kapychka. Chia sẻ về tác phẩm của mình, tác giả cho biết: “Trong một đêm đi vào rừng, tôi vô tình nhìn thấy quầng Mặt Trăng và đã rất ngỡ ngàng khi chứng kiến nó. Đây là một hiện tượng quang học đẹp mắt được tạo nên từ nhiều yếu tố.

Quần Mặt Trăng thường xuất hiện trong các đêm lạnh giá như thế này, khi có nhiều tinh thể băng giá nằm rải rác trong không khí. Ánh sáng Mặt Trăng tương tác với chúng và tạo thành một chiếc quầng hình vòng cung đẹp mắt có bảy màu, tương tự cách Mặt Trời tạo ra cầu vồng vào ban ngày.”


Chiến thắng hạng mục Khoa học Trái Đất: Đám mây xoáy ở Yukon bởi Lauren Marchant. Bức ảnh này được chụp ở gần Trạm nghiên cứu Hồ Kluane ở Yukon, Canada. Trên bầu trời lúc bấy giờ là một đám mây hình phễu lớn, trông như một cái nón úp ngược.

“Một đám mây hình dạng như vậy được tạo ra khi các giọt nước được bốc hơi và bị hút vào một vùng áp khí có dạng như cột gió xoay tròn. Những cột gió như vậy xuất hiện khá thường xuyên, nhưng gió mạnh đến nỗi tạo thành một vùng áp thấp và có thể thấy rõ bằng mắt thường như thế thì tương đối ít gặp”, tác giả giải thích.

Về nhì hạng mục Sinh thái học và Môi trường: Một chiến binh cảnh giác bởi Abhijeet Bayani. Trong ảnh là Ropalidia marginata, một loài ong bắp cày nguyên thủy sống ở miền nam Ấn Độ. Tổ của chúng được xây dựng ở những nơi rất kín kẽ vì quá trình tiến hóa không cho loài này kỹ năng chống chọi và tự bảo vệ trước những mối đe dọa.


Về nhì hạng mục Thiên văn học: Những vì sao Taranaki bởi James Orr. Trong ảnh là Dải Ngân Hà cùng hai Đám mây Magellan, xuất hiện trên bầu trời phía trên Núi Taranki, một núi lửa hoạt động cao 2.500 mét ở Đảo Bắc thuộc New Zealand. Hai Đám mây Magellan là hai thiên hà vệ tinh của Ngân Hà, nằm cách xa chúng ta khoảng 150.000 năm ánh sáng và chỉ có thể nhìn thấy được trên thiên cầu nam của bán cầu nam.

Về nhì hạng mục Khoa học Trái Đất: Biển sủi bọt bởi Tom Shlesinger. Tác giả chia sẻ: “Các rặng san hô là một trong những hệ sinh thái đa dạng và hoạt động mạnh mẽ nhất trên hành tinh của chúng ta. Tuy vậy, sự ô nhiễm do chất thải cũng như việc đánh bắt quá mức đang gây ra tình trạng axit hóa và nước biển nóng lên, làm san hô bị chết hàng loạt.

Bức ảnh này được chụp trong chuyến lặn biển thám hiểm khoa học ở đảo Ambitle, Papua New Guinea, là một phần của dự án thăm dò mức độ axit hóa đại dương để cứu sống san hô. Những cột khí sủi bọt trong ảnh là núi lửa ngầm dưới đáy biển đang bốc khói và tấn công những rặng san hô khỏe mạnh.”


Về nhì hạng mục Ảnh chụp vật thể siêu nhỏ: Hoàn toàn bị thắt chặt bởi Anne Weston. Đây là bức ảnh chụp ở mức độ hiển vi sợi chỉ phẫu thuật được dùng để khâu vết thương ở đầu. Các sợi chỉ được thắt chặt vào nhau, đã được gỡ bỏ khỏi đầu nạn nhân và vì thế những mẩu da vụn vẫn còn bám lấy quanh sợi chỉ. Trông có vẻ ghê rợn, nhưng đây là bức ảnh cho thấy sự chính xác của một nút thắt chỉ: Những sợi chỉ mỏng và nhỏ được buộc lại với đường kính nhỏ hơn 0,25 mm.


Giải danh dự hạng mục Thiên văn học: Siêu Trăng Xuân Phân bởi Loren Merrill. “Trong bức ảnh này, siêu Mặt Trăng đang mọc cao lên bầu trời từ rặng núi British Columbia vào ngày Xuân phân năm 2019. Lần trước đó Trăng tròn kết hợp cùng với Xuân phân là vào năm 1905 và lần tiếp theo là vào năm 2144. Vì thế, đây là sự kiện hiếm gặp và cả đời tôi chỉ gặp được đúng một lần duy nhất,” tác giả chia sẻ.


Giải danh dự hạng mục Khoa học Trái Đất: Đứa con của Krakatoa tỉnh giấc bởi James DP Moore. Núi lửa Anak Krakatau đang phun trào dữ dội trong bức ảnh này. Sức mạnh của vụ phun trào rất lớn, đẩy nham thạch chạy với tốc độ cực kỳ cao dọc xuống lưng núi rồi nhấn xuống biển và tạo thành một cơn sóng thần chết người.

NGUỒN:  Báo khám phá dẫn theo The Guardian

Link bài: Top ảnh hiện tượng thiên nhiên…

(http://khampha.vn/tin-quoc-te/giot-nuoc-luong-tu-dam-may-xoay-lot-top-anh-khoa-hoc-dep-nhat-2019-c5a748172.html)

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *