Trọng người tài không chỉ nói bằng lời mà phải có trọng thưởng

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi bác Dr Thanh,

Thưa bác, cháu chỉ là một nhân viên nhà máy xi măng, nhưng tâm trí cháu khi nào cũng nghĩ mình sẽ là một doanh nhân thực thụ. Cháu theo dõi blog bác từ lâu nhằm lắng nghe bác giảng giải rất nhiều bài học kinh doanh cho lớp trẻ muốn lập nghiệp. Tất nhiên bác cũng đã giảng giải nhiều về những bài học nhân sự. Tuy vậy cháu muốn bác nói thêm về kĩ năng quản trị nhân sự, chìa khoá cho bài toán nguồn nhân lực. Bác giúp cháu nhé? Cảm ơn bác rất nhiều.

Kính chúc bác muôn vàn sức khoẻ,

Lý Hoài Miên (Hải Phòng): haiphongcuatoi19@gmail.com

—–

Lý Hoài Miên mến!

Cháu có mơ ước trở thành một doanh nhân thì việc tìm tòi, học hỏi những kiến thức liên quan đến quản trị doanh nghiệp là điều quá cần thiết. Kinh doanh không phải là một cái “game” mà là một sự nghiệp của đời người, cho nên nó cũng đánh đổi cả một đời người.

Nội dung về quản trị doanh nghiệp thì nhiều, cháu đặt câu hỏi về quản trị nhân sự lại là yếu tố cốt lõi của quản trị doanh nghiệp rồi đó. Bác không sách vở, mà rút ra những bài học được đúc kết từ mấy chục năm làm chủ doanh nghiệp, bác chia sẻ với cháu nhé.

– Tìm cho được người giỏi: Một người giỏi mang đến hiệu quả bằng cả chục người, thậm chí hơn. Một sáng kiến từ cái đầu thông minh có thể mang đến lợi ích, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Có nhiều kỹ sư đưa ra sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích làm lợi hàng triệu đô la cho doanh nghiệp đó cháu. Bác tiết lộ cho cháu, nói nhỏ thôi nghe, bác là người luôn mày mò để tìm ra các giải pháp kỹ thuật cho doanh nghiệp của bác đó.

– Tìm được người tài thì phải biết giữ chân người tài: Tôn trọng và biết lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ tinh thần, vật chất. Trọng người tài không chỉ nói bằng lời mà phải có trọng thưởng. Đối với từng người lao động, phải trả công xứng đáng với công sức của họ. Trong cuộc cạnh tranh của thương trường, có cạnh tranh nguồn nhân lực, nếu không đảm bảo lợi ích và sự công bằng, nguồn nhân lực sẽ suy yếu.

– Tương tác với cộng sự và nhân viên: Làm lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ chăm chăm lo sản xuất sản phẩm, chú trọng tới đối tác, khách hàng, mà phải dành tâm huyết để lo “đối nội”. Đó là quan tâm, chăm sóc đến cán bộ, nhân viên, người lao động của doanh nghiệp. Ban giám đốc có đưa ra bất cứ chiến lược kinh doanh gì, dù hay ho mấy thì cũng không thể thực hiện thành công nếu như không có lực lượng thực hiện. Sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp với nhân viên, ngoài việc lắng nghe những phản hồi trong nội bộ, còn là sự thể hiện tình cảm, và đó cũng là cách giữ chân nhân viên.

– Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực: Lãnh đạo doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược phát triển, không phải một hai năm mà vài chục năm. Cùng với chiến lược phát triển kinh doanh đương nhiên phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Phải luôn tìm kiếm, “săn đầu người” và kết hợp với kế hoạch đào tạo. Những người có năng lực, tâm huyết, lòng trung thành, thì phải tập trung đào tạo, cử đi học các khóa học nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ. Đừng tiếc tiền cho mục đích xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, vì trí tuệ của con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp.

Vậy nhé, có gì cháu cứ gửi thư cho bác.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

5 (100%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *