Từ nỗi băn khoăn lo lắng của Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để xảy ra những trường hợp tương tự như với dưa hấu, thịt lợn – Ảnh: VGP/Quang Hiếu. Báo Tuổi trẻ.

Anh Thanh mến
Biết anh từ mấy chục năm trước, thời anh sản xuất men bánh mì. Tui là chủ bánh mì mà. Tui nghỉ ngơi rồi, thấy anh vẫn chưa rời trận địa, phục lắm. Đọc blog anh càng phục. Anh trưng mục “Chat với mọi người” thấy hay hay nên tui hỏi anh một chuyện không lien quan gì đến THP, mà liên quan đến con heo. Thấy người ta bàn tán rầm trời, Thủ tướng cũng lên tiếng. Ý kiến anh ra sao? Tui hỏi vậy vì tui rất đồng tình quan điểm của anh trong bài: “Không phải xây dựng nền kinh tế từ thiện”. Chúc anh mạnh giỏi và chờ ý kiến của anh.

Trần Xuân Tráng ( Sài Gòn): trantrang@yahoo.com

Anh Tráng mến,
Thú thật tui không nhớ ra anh. Không  biết hồi đó anh chủ lò bánh mì nào. Sorry anh. Nay được anh hỏi đến, rất mừng, nên dù bận búa xua cũng tranh thủ trả lời anh.
Chuyện con heo là chuyện đáng bàn anh Tráng à. Thủ tướng còn băn khoăn lo lắng, tụi mình là doanh nhân bỏ qua chuyện này sao được.
Tháng trước tui có viết bài “Không phải xây dựng nền kinh tế từ thiện”, nói về việc dưa hấu ứ đọng, sinh viên TPHCM ra Quảng Ngãi mua dưa về bán để giúp dân. Tui rất vui khi các bạn trẻ có tấm lòng, sẵn sàng chia sẻ với người nông dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp giúp dân, sản xuất nông nghiệp phải có tầm chiến lược, không phải chuyện may rủi.
Mấy bữa nay, bệnh cũ tái phát, không phải dưa hấu mà là heo, khắp nơi kêu gọi tìm cách giải cứu heo.
Cho dù là số người đông đến mấy cũng không thể căng bụng ra ăn hết các đàn heo của nông dân nuôi được. Giải cứu bằng cách mua thịt heo giúp nông dân cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì có bụng giúp người nuôi heo nhưng không có đủ bụng chứa thịt heo.
Ở đây là tầm chiến lược sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của các cơ quan Chính phủ.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2017 diễn ra ngày 4.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo: “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?”
Đúng là nguy hiểm cho nền sản xuất, nếu như trồng ra thứ gì, nuôi được con gì cũng phải đi giải cứu. Nông dân từng đốt mía, chặt cây cao su, mỗi lần như vậy là một lần sức dân bị khánh kiệt.
Nông dân bán thịt heo rẻ như cho, trong lúc giá thịt heo trên thị trường vẫn cao, điều này cho thấy hệ thống phân phối, các khâu trung gian đã ăn hết phần của nông dân. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội phân tích trên báo Dân Trí: “Một con lợn phải qua nhiều khâu trung gian, chịu 51 thứ phí thì giá phân phối cao là không tránh khỏi. Hơn nữa, khâu bán lẻ hiện nay ăn chiết khấu nhiều quá, ăn tới 20-30%. Nào là phí bôi trơn, phí tạo mã…đẩy giá thịt lợn lên hơn 100.000 đồng/kg. Điều này cần phải bớt đi”.
Để bớt đi được, không thể không có vai trò của ngành công thương.
Tui mang cái nghiệp kinh doanh, nên cũng chịu khó tìm tòi nghiên cứu về sản xuất kinh doanh và mối liên quan với thị trường, chỉ cần tính sai một ly là đi một dặm, cứ sấp mặt sản xuất tới khi có sản phẩm lại không biết bán cho ai, đem đổ cũng không xong. Cái này gọi là mất sự chủ động về thị trường.
Để có chủ động thị trường, người nông dân chỉ biết trông cậy vào các dự báo từ phía Nhà nước. Công việc đó thuộc các ngành quản lý, thành hay bại trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược, trình độ quy hoạch trồng trọt và chăn nuôi của một quốc gia .
Nhiều bộ, ngành có các viện kinh tế, trung tâm nghiên cứu, nông dân có thể trông cậy vào các kết quả nghiên cứu của các cơ quan này để biết trồng cây gì, nuôi con gì là hiệu quả.
Không chỉ nuôi, xẻ thịt ăn tươi mà chế biến  thành các sản phẩm đa dạng để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tại sao Việt Nam phải nhập các loại thịt hộp nhưng không thể sản xuất thịt hộp. Không xuất khẩu được thì không thể mở rộng quy mô đàn heo vì thị trường trong nước có ngưỡng, cái ngưỡng đó tui nghĩ các cơ quan nghiên cứu dễ dàng đo được.
Riêng về phân phối, chỉ cần gắn hai mô đun “trang trại – siêu thị”, bỏ qua các khâu trung gian thì giá thịt sẽ khác.
Từ nỗi băn khoăn lo lắng của Thủ tướng, tui mạo muội xin có đôi lời thưa với anh Tráng, cũng là thưa với mọi người.
Chúc anh mạnh giỏi! ( Lâu ngày quên mất từ “mạnh giỏi”, nhờ anh nhắc đó!)

Trần Quí Thanh

Link bài:Thủ tướng: Hết dưa hấu đến thịt lợn, sắp tới cái gì nữa?

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *