Tự tìm cho mình sự khác biệt.


Toạ đàm: “Tôi đã học thế nào để vào Stanford?”

Anh Thanh mến
Anh không biết em đâu nhưng em biết anh từ lâu rồi. Anh còn nhớ những buổi tối ngồi ăn chân gà nướng ở vỉa hè đường Nguyễn Trung Trực những năm 1980s không? Trong mấy đứa con gái hay trêu anh, có em đấy.
Nói vậy để tâm sự anh chút chút. Em thấy ba đứa con của anh giỏi giang nên muốn hỏi anh cách thức anh dạy con ra sao.  Em lấy chồng muộn, lại hiếm muộn con cái, chỉ được đứa con trai đang học lớp 12. Con  em cũng học giỏi anh ạ, giấy khen đầy nhà nhưng em thấy lo lo. Hình như học giỏi không quan trọng bằng học như thế nào, phải không anh?
Là người quen cũ, em rất muốn anh cho em những chỉ bảo.
Chúc anh vạn sự như ý.

Kính anh,
Lê Thị Bội Lan ( phố Cầu Bông với anh đây): le_lan1958@gmail.com
—–

Chào Lan,
Tui nhớ Lan chớ, nói đến chân gà nướng Nguyễn Trung Trực là nhớ liền à.  Hơn ba chục năm rồi, mau quá. Khi nào lại hẹn nhau ra phố Nguyễn Trung Trực ngồi vỉa hè nói chuyện đời sơ nghen. Giờ nói ngay chuyện đời nay cho đỡ mất thời gian.

Lan hỏi tui về chuyện học như thế nào khi tui vừa đọc xong bài báo Tôi đã học thế nào để vào Stanford? ở báo Thanh niên, tự nhiên thấy hào hứng nói chuyện này.

Cuộc gặp mặt của 6 bạn trẻ từng học và đang học tại Đại học Stanford danh tiếng của Mỹ tại buổi tọa đàm nói trên có nhiều nội dung thật thú vị, đáng được các bậc phụ huynh cũng như các bạn trẻ có ước mơ chinh phục tri thức thế giới tham khảo.

Tất nhiên ai đã từng đặt chân vào được Stanford đều là những học sinh, sinh viên xuất sắc, có thành tích học tập đáng nể. Nhưng qua câu chuyện được chia sẻ tại buổi tọa đàm, tui thấy đáng nể hơn là ý chí và quyết tâm của họ.

Ví dụ như Phạm Kim Hùng, từng đạt một huy chương vàng, một huy chương bạc Olympic toán quốc tế. Năm 2005, khi thi xong Olympic toán học, mọi người đều vào lớp cử nhân tài năng của trường ĐH Khoa học Tự nhiên để sang Pháp thì Hùng chọn ngã rẽ cho riêng mình: Xin nghỉ học để muốn viết một cuốn sách và điều thứ hai quan trọng hơn là muốn sang ĐH Stanford để học Công nghệ thông tin.

Phạm Kim Hùng cho rằng, “Lúc đó em nghĩ thôi thì liều một phen”. Lan thấy sao? Còn tui, tui nhìn thấy bản lĩnh của Hùng là không a dua theo số đông, tự tìm cho mình sự khác biệt. Hay nói cho đúng luôn, khởi nghiệp cũng là đây chứ ở đâu xa. Phải không Lan?

Nhưng câu chuyện thứ hai tui xin trích lại sau đây mới làm cho tui khoái chí, đó là chuyện của Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ tại ĐH Stanford, từng có tên ở một danh sách 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới.

Hiếu học rất giỏi từ nhỏ tới lớn (như con trai Lan vậy đó), giấy khen treo đầy nhà, đến nỗi thấy nhàm chán. Đúng là học đâu nhứt đó không chán mới lạ. Nhưng ông già của Hiếu mới là người cha rất tuyệt, điều trị cái bệnh chủ quan của đứa con. Ông lấy hết giấy khen của đứa con treo ở trên tường, xé nát hết rồi nói: “Giấy khen chỉ là những tờ giấy thôi, nó đến với con được nhưng cũng có thể mất đi bất cứ lúc nào. Quan trọng là cái gì nằm trong đầu và trong tim của con”.

Quá hay, quá đúng. Nhiều người cứ đem thành tích cũ ra khoe khoang, tui từng làm được cái này, tui từng học giỏi như thế kia, tui từng đoạt huy chương vàng bạc đồng đủ thứ. Vớ vẩn hết, cái quan trọng là bây giờ anh làm được gì hay không.

Có khi nào Lan nói với con trai của Lan như vậy không? Tui từng nói với mấy đứa nhỏ nhà tui, hãy coi những giấy khen, giải thưởng thành tích chỉ là kỷ niệm, quên nó đi để hành động tạo ra giá trị mới, thiết thực cho bản thân và xã hội. Đó mới là mục đích tối thượng của sự học.

Đôi lời tâm sự nhân chuyện Lan hỏi, vậy nghe.
Hẹn gặp nhau ở vỉa hè Nguyễn Trung Trực nha.

Trần Quí Thanh

Link bài: Tôi đã học thế nào để vào Stanford?

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *