Ứng xử không công bằng thì nhân tâm bất phục

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Internet.

—–

Thưa bác Trần Quí Thanh,

Cháu là một CEO nhỏ, bị má bắt cóc lên làm thay má (Đừng hỏi cháu ba đâu nhen bác, hi hi).  Cháu làm được ba năm được má khen năng động sáng tạo nhưng chê là thiếu công bằng. Cháu vẫn tôn trọng anh em nhân viên và cố gắng đối xử thật công bằng nhưng má cháu vẫn chê. Vậy nên cháu viết thư này hỏi bác: Làm thế nào để được má cháu khen là một CEO công bằng? Cháu hỏi rất nghiêm túc, rất mong bác trả lời.

Lê Thị M.H (Sài Gòn): yeuthuongnhaunhiu@gmail.com

—–

Lê Thị M.H mến!

Vấn đề mà cháu đặt ra là một trong những yêu cầu gắt gao đối với CEO, đã là người đứng đầu, lãnh đạo một tập thể dù lớn nhỏ, thì công bằng là tiêu chí của thành công.

Ứng xử không công bằng, xung đột sẽ xảy ra, nhân tâm bất phục, thì không thể lãnh đạo ai được. Nhưng cháu phải biết rằng, không có cái gì tuyệt đối, do đó chúng ta phải bằng thái độ tích cực nhất, quyết tâm nhất để có được sự công bằng cao nhất có thể.

Con người không phải thần thánh, cho nên trong ứng xử luôn chiều theo cảm xúc, nhưng với một CEO, hãy cố gắng vận dụng lý tính và hạn chế cảm tính trong việc ra quyết định, nhận xét và tưởng thưởng nhân viên. Trong quan hệ cá nhân với cá nhân mang tính xã hội, có thể hợp người này, thân người kia, nhưng khi đặt mình vào vai trò CEO, thì hiệu quả công việc được đặt lên trên quan hệ tình cảm cá nhân.

Để tránh bớt sự can thiệp của cảm tính, trong điều hành doanh nghiệp, cần đưa ra những nguyên  về phân công công việc, bộ quy tắc hoạt động như bộ luật riêng của doanh nghiệp, và quan trọng nhất là các tiêu chí về thưởng phạt. CEO căn cứ vào đó để ra các quyết định phân công công việc cũng như đánh giá kết quả. Từ đó, làm cơ sở để thưởng phạt, quy tắc càng chặt chẽ, minh bạch, thì thưởng phạt càng phân minh.

Ví dụ, trong bất kỳ doanh nghiệp nào, cũng luôn có người giỏi, người dở. Người giỏi làm việc hiệu quả hơn, được giao nhều việc hơn, vậy thì không thể cào bằng trong lương, thưởng.

Bác nói điều gan ruột nhé, điều hành doanh nghiệp công bằng không phải như tung đồng xu để chọn mặt sấp mặt ngửa, vì ngay cả khi làm điều đó cũng có thể tạo ra sự bất công. Vì giả sử như, tung cả 3 lần thì cũng giao việc cho một người vì người đó chọn đúng mặt ngửa cả ba lần. Đó cũng là sự bất công ngay cả khi lựa chọn cách tưởng chừng như khách quan nhất.

Cho nên, hãy tự mình ra quyết định, và các quyết định đó phải dựa trên các tiêu chí khách quan, khoa học. Và lưu ý nhé, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, làm việc hết lòng, hết trách nhiệm với vai trò của một CEO.

Chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *