Xin ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Trần Quí Thanh

Với một kỳ họp dài 6 tuần như kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, thật khó khăn để các đại biểu này tham dự đầy đủ các phiên họp – (Ảnh và chú thích báo Tuổi Trẻ.)

Thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội,  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà kiến nghị các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không nên là đại biểu Quốc hội. Ngoài các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thì các cán bộ sở, ngành ở địa phương cũng không nên làm đại biểu Quốc hội.

Tui cho rằng, đây là ý kiến rất đáng quan tâm, vì rất thuyết phục, từ lý luận đến thực tiễn.

Bộ trưởng, chủ tịch các địa phương là người làm việc trong cơ quan hành pháp, lại ngồi vào ghế của cơ quan lập pháp, thì liệu có còn tính độc lập, khách quan trong đánh giá, nhận định về chất lượng hoạt động của các cơ quan hành pháp nữa không.

Trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là nghị định, thông tư, nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp luật từng phân tích đã có sự phụ thuộc vào quyền lợi của các bộ ngành hơn là cho lợi ích chung của toàn xã hội. Vậy thì khi ở vị trí của một đại biểu Quốc hội, thành viên của cơ quan lập pháp, các vị đại biểu là bộ trưởng, có “phân thân” để xây dựng pháp luật công tâm, công bằng, khách quan và khoa học hay không?

Điểm tiếp theo là thời gian đủ để đảm bảo thực hiện hết trách nhiệm cho cả hai vị trí. Từng có nhiều thông tin nói về những chiếc ghế trống ở Quốc hội. Có ý kiến trách cứ đại biểu vắng mặt trong một số buổi họp, nhưng cũng có ý kiến chia sẻ với các vị dân biểu này. Đó là công việc bộ ngành, địa phương chồng chất, có những việc phải có mặt ở cơ quan để giải quyết. Do đó, bắt buộc phải vắng mặt tại nghị trường. Hoàn thành nhiệm vụ với cơ quan, nhưng không hoàn thành trách nhiệm của một đại biểu dân cử.

Thứ ba là tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội là điều bắt buôc phải hướng tới. Là đại biểu Quốc hội thì không nên giữ chức vụ trong các cơ quan chính quyền, kể cả giám đốc sở. Một Chính phủ kỹ trị cần những cán bộ lãnh đạo giỏi chuyên môn quản lý và tập trung toàn bộ thời gian, tâm lực cho vai trò quản lý của mình. Một đại biểu Quốc hội cũng vậy, dành toàn bộ thời gian cho việc chuyên môn, nghiên cứu về pháp luật, chính sách, đi thực tế, tiếp xúc người dân, trao đổi với các chuyên gia kinh tế, xã hội, luật học để có cái nhìn rộng và sâu, có kiến thức vững vàng, có trình độ cao để đáp ứng với yêu cầu công việc của một thành viên cơ quan lập pháp, giám sát tối cao.

Phân tích ba ý trên, tui ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Và tui tin rằng, tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách càng cao thì chất lượng hoạt động của cơ quan lập pháp càng được nâng cao.

Sài Gòn ngày 03/11/2019

TQT

Bài đọc thêm, link: Xay lúa thì thôi ẵm em

(https://tuoitre.vn/xay-lua-thi-thoi-am-em-20191031074242063.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *