Bàn về chuyện gỡ đinh và chiếc bẫy câu chữ

Trần Quí Thanh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Việc cắt giảm, sửa đổi và bãi bỏ ( Giấy phép con)  phải thực chất chứ không sửa đổi, bãi bỏ theo kiểu cơ học; sửa câu chữ..”. Ảnh: Đ.MINH-PLO

Chúng ta cứ nêu ra cụm từ chung chung như vậy rất khó khăn cho đơn vị thực hiện. Lượng hóa vấn đề này như thế nào. Tốt thì rất tốt nhưng tốt thế nào. Cao thì cao 1,7 m hay 1,85 m, chưa biết cao bao nhiêu. Vậy thì tránh việc trong điều kiện kinh doanh, chúng ta cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp, không nên. Doanh nghiệp nói là rất nhiều câu từ thế này đôi khi chúng tôi bị bẫy. Nếu thích, vui vẻ thì qua, mà không thích, không vui thì bắt luôn cũng được”.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu ý kiến trên tại cuộc họp giữa tổ công tác của Thủ tướng với lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuát nhập khẩu và rà soát cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh còn bất cập, chồng chéo diễn ra ngày 28.2.

Các cụm từ mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ví dụ là “phải phù hợp”, “phải đủ”, “phải sạch sẽ”, “phải thuận tiện”, “phải có trình độ tay nghề tốt”, “phải có đạo đức tốt”…

Thiệt tình tui quá khoái cách đặt vấn đề của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, mà chắc không phải mình tui đâu, doanh nghiệp nào cũng khổ vì các khái niệm chung chung kiểu này.

Đã là quy định, là văn bản quy phạm pháp luật thì phải đính lượng, không thể định tính, chỉ cần mập mờ một chút là doanh nghiệp bị bắt bẻ đủ điều, bắt kiểu gì cũng chết. Doanh nghiệp bị gài bẫy là ở chỗ này đây

Tui nói thiệt, sạch trong điều kiện vô trùng cũng là sạch, mà quét dọn sạch sẽ không có rác cũng là sạch. Nếu chỉ quy định “sạch” thì phạt ai cũng được mà tha ai cũng xong.

Lạ thiệt à nghen, các quan chức hình như rất thích định tính, tui coi truyền hình, nghe đọc diễn văn, các quan chức hay có câu, “từng bước được cải thiện”, “từng bước được nâng cao”, “từng bước được đẩy lùi”…nói kiểu này thì lùi hay tiến cũng chẳng sai vì ai biết bước là mấy bước.

Trở lại chuyện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tui là doanh nghiệp chịu khổ với thủ tục này nhiều, nên mơ ước có ngày cắt bỏ được càng nhiều càng tốt. Có điều, từ khi nghe đặt vấn đề cắt giảm đến nay, trên thực tế chưa thấy biến chuyển. Một mặt hàng nhập khẩu hàng trăm lần, cũng lô hàng đó, thực hiện kiểm tra, không thấy có sai phạm quy định, nhưng cứ kiểm tra hoài, máy móc vô cùng.

Bộ Công thương đi đầu trong bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, nhưng còn thủ tục kiểm tra chuyên ngành thì chưa thấy có sự đột phá. Nếu các ngành vừa bỏ được điều kiện kinh doanh vừa giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành thì doanh nghiệp tự nhiên được tăng thêm nguồn lực, có thể tính được bằng tiền. Chỉ riêng kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công, 14.000 tỉ đồng mỗi năm.

Nhưng đó mới là chi phí theo quy định, còn vì những quy định đó mà phải chung chi cho nhanh chóng lại là chuyện khác, tui không dám nói sâu hơn về vấn đề này.

Kết thúc bài viết, tui xin trích lại ý kiến của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, vì tui thấy đúng quá: “Chúng ta cứ hì hục gỡ những cái do chúng ta tạo ra và coi đó là thành tích vĩ đại thì không được. Không làm được là nguy hiểm, còn làm được là bình thường. Phải làm được”.

Tui mong các bộ ngành gỡ đinh nhanh nhanh cho dân nhờ.

Sài Gòn  4/3/2018

TQT

Bài đọc thêm, Link: Tránh cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp

(http://plo.vn/thoi-su/tranh-cai-cam-cau-chu-de-bay-doanh-nghiep-757398.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *